Dân Việt

Nông dân Nam Định thắng lớn với giống lúa lai F1

Minh Ngọc 07/10/2019 15:51 GMT+7
Đó là nhận định của các đại biểu và chuyên gia tham dự hội thảo, tổng kết dự án “Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1 kết hợp với hình thức tổ chức sản xuất mới” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) và Công ty TNHH Cường Tân tổ chức cuối tuần qua tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Sau 3 năm triển khai, dự án phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1 kết hợp với hình thức tổ chức sản xuất mới do TTKNQG làm quản lý dự án và Công ty TNHH Cường Tân thực hiện đã gặt hái được nhiều thành công. Nông dân tham gia dự án đã có kinh nghiệm thuần thục trong sản xuất lúa và giống lúa, ngoài ra được hỗ trợ tối đa về nguồn kinh phí, giống, vật tư, tổ chức sản xuất và thu mua bao tiêu sản phẩm…

img

Các đại biểu và nông dân thăm quan mô hình sản xuất lúa lai F1 tổ hợp TH 3-3 tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định).

Đột phá từ hình thức tổ chức sản xuất

Theo báo cáo của TTKNQG, dự án có tổng diện tích được triển khai từ năm 2017 - 2019 là 950ha, trong đó vụ xuân 450ha, vụ mùa 500ha. Vụ xuân tổ chức sản xuất tại các xã Trực Hùng, Trực Thái, Trực Chính - huyện Trực Ninh; xã Xuân Ninh, Xuân Thượng – huyện Xuân Trường, xã Nghĩa Sơn – huyện Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định; tại tỉnh Yên Bái, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Đăk Lăk với các tổ hợp giống lúa CT16, Nhị ưu 838 và TH3-3.

Vụ mùa tổ chức sản xuất tại các xã Trực Hùng, Trực Thái, Trực Chính - huyện Trực Ninh; xã Xuân Ninh, Xuân Thượng - huyện Xuân Trường, xã Nghĩa Sơn - huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) với các tổ hợp TH3-3, TH3-7, LC270 và CT16.

Đánh giá về dự án, ông Lê Hữu Khang - chuyên viên Vụ Khoa học, Công nghệ và môi trường (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: “Dự án đã góp phần tạo ra một lượng hạt giống lúa lai F1 đảm bảo chất lượng, góp phần tăng tỷ lệ hạt giống lúa lai sản xuất trong nước, giúp người nông dân chủ động hơn nguồn giống trong sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành đầu vào nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa gạo”.

Ông Đoàn Văn Sáu – Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân cho biết, trong 3 năm 2017-2019, dự án đã được triển khai tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh Nam Định, Yên Bái, Đăk Lăk, Quảng Nam và tại Công ty TNHH Cường Tân, Công ty giống Cây trồng Nam Định với quy mô lên tới 950ha. Tổng sản lượng hạt lai F1 ước đạt khoảng 2.000 - 2.500 tấn.

img

Các đại biểu và nông dân thăm quan mô hình sản xuất lúa lai F1 tổ hợp TH 3-3 tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định). Ảnh: Minh Ngọc

Theo đó, dự án được triển khai theo hình thức sản xuất mới, đó là doanh nghiệp hoặc HTX thuê ruộng của nông dân, quy hoạch lại đồng ruộng phù hợp để sản xuất giống chuyên canh và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng hạt giống, ổn định thu nhập cho người dân để gắn bó lâu dài với sản xuất hạt giống.

“Người nông dân khi tham gia dự án sẽ được tiếp xúc với tiến bộ khoa học kỹ thuật, được đầu tư toàn bộ chi phí giống, vật tư, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc... Dự án đã góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, qua đó giúp họ yên tâm gắn bó với đồng ruộng”, ông Đoàn Văn Sáu – Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân chia sẻ.

Không lo đầu ra

Ông Lã Văn Thiên (xóm 3, xã Trực Hùng) sau 3 năm tham gia dự án sản xuất lúa lai F1 cho biết, ngày trước gia đình ông trồng lúa thuần nên hiệu quả không cao, đồng ruộng lại manh mún nên khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc… 

img

Dự án trồng lúa lai F1 cho năng suất bình quân từ 28 - 30 tạ/ha. Ảnh: Minh Ngọc

Nhưng từ khi tham gia dự án, được cung cấp giống, vật tư, được bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế đã tăng 35-40% so với trồng lúa thường, ngoài ra ông Thiên cũng được đào tạo tập huấn nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sản xuất giống, chăm sóc cây giống bố và mẹ để cho những bông lúa lai F1 năng suất, ít sâu bệnh.

Sau 3 năm, nông dân tham gia dự án đã sản xuất lúa lai đại trà thay cho diện tích sản xuất lúa thông thường. Hiện nay ông Thiên đang có tổng diện tích trên 5,5ha trồng lúa lai dòng CT16, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Chính – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định đánh giá rất cao dự án này, đặc biệt là dự án đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất hạt giống lai F1, tuy nhiên ông Chính cho rằng phải xây dựng cơ chế chính sách bảo hiểm để các hộ tham gia dự án được bảo đảm đầy đủ quyền lợi.

Ông Thiên tính toán, mỗi vụ sản xuất, hạt giống lúa lai F1 đạt năng suất 20 – 25 tạ/ha, phía doanh nghiệp thu mua quy đổi 1kg hạt giống lúa lai F1 bằng 4kg lúa thương phẩm.

“Trồng lúa lai có lợi nhuận cao hơn gấp 3 – 4 lần so với lúa thường. Tuy nhiên, sản xuất hạt giống lúa lai đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn, khoa học kỹ thuật phải được đảm bảo, trong khi vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết tự nhiên. Tuy vậy, so với trồng lúa bình thường, nông dân trồng lúa lai phấn khởi hơn vì không lo đầu ra”- ông Thiên nói.

Nông dân Đỗ Đức Thọ (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, Nam Định) cũng có diện tích hơn 4ha lúa lai dòng TH3-3, dự kiến vài ngày tới đây sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 28-30 tạ/ha, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa lai, tuy nhiên điều tôi lo ngại nhất vẫn là biến đổi khi hậu, thời tiết không ủng hộ thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi trồng lúa lai”- ông Thọ chia sẻ.