Dân Việt

Vụ nhà hàng Mã Pí Lèng: “Không xử lý nghiêm thì hệ lụy sẽ không lường hết được!”

Thanh Hà (thực hiện) 07/10/2019 06:10 GMT+7
“Thật đau lòng khi nhìn thấy nhiều di tích bị xâm hại, biến dạng bởi những nhà bê tông, đường bê tông… Càng đau lòng hơn khi sự xâm hại, biến dạng đó không đến từ nguyên nhân bảo tồn, gìn giữ di tích …”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ với phóng viên NTNN/Dân Việt.

Đề nghị xếp hạng nhưng quên bảo tồn

Thưa PGS.TS Đỗ Văn Trụ, vừa qua báo Dân Việt đã đăng loạt bài “Cái gai trên đỉnh Mã Pí Lèng” phản ánh về tòa nhà 7 tầng Mã Pí Lèng Panorama được xây dựng trái phép ở hẻm vực Tu Sản, Mã Pí Lèng (Hà Giang). Đặc biệt khu vực Mã Pí Lèng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, nhưng khi xây dựng phía huyện Mèo Vạc không xin ý kiến, tham vấn, thẩm định từ Bộ VHTTDL. Vậy ông nghĩ như thế nào về sự việc này?

- Trước hết tôi phải chia sẻ, việc chính quyền địa phương đồng ý (theo lời bà chủ tòa nhà này trả lời báo chí) xây dựng toà nhà 7 tầng Panorama tại hẻm vực Tu Sản, Mã Pí Lèng là một việc đáng tiếc. Đáng tiếc hơn nữa, việc đồng ý cho xây dựng lại là huyện Mèo Vạc thì còn là làm sai chức năng, thẩm quyền.

Phân tích những điểm sai trái trong việc đồng ý xây dựng toà nhà Panorama tôi thấy thế này. Thứ nhất khu vực Mã Pí Lèng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia và theo quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Như vậy trách nhiệm của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc là phải báo cáo, làm hồ sơ, trình xin ý kiến các hạng mục mình muốn làm và chờ thẩm định từ phía Bộ VHTTDL. Nhưng tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc đã không làm hồ sơ, xin ý kiến, thẩm định, vậy là đã vi phạm quy định của Luật Di sản văn hoá.

img

  Tòa nhà Panorama 7 tầng xây dựng không phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. (ảnh: Nguyễn Quý)

Thứ hai, toà nhà Panorama đã đi vào hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê nhưng trên thực tế vẫn chưa được cấp phép xây dựng, bởi công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Cộng lại thì công trình này có quá nhiều cái sai: Sai cả về quản lý nhà nước đối với các di tích, danh lam thắng cảnh và sai về quản lý đất đai, môi trường. Đấy là còn chưa biết công trình đã được thẩm định về độ an toàn của cơ quan chuyên môn chưa vì nó được xây dựng trên một địa hình hiểm trở.

Việc chính quyền địa phương đồng ý (theo lời bà chủ tòa nhà này trả lời báo chí) cho xây dựng toà nhà 7 tầng Panorama tại hẻm vực Tu Sản, Mã Pí Lèng thì theo tôi trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan cho phép, kể cả trách nhiệm về kinh tế. Nếu quy trách nhiệm cho người dân một thì trách nhiệm của cơ quan quản lý là mười.

Thứ 3, khi chính quyền huyện Mèo Vạc cho phép xây dựng đã hoàn toàn không tính tới việc phá vỡ cảnh quan môi trường. Bởi Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia khu vực Mã Pí Lèng thì cảnh quan môi trường là yếu tố quan trọng cấu thành nên di tích. Vì vậy khi xây dựng toà nhà Panorama ở đây là vô hình trung phá vỡ cảnh quan môi trường đó.

img

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Thưa ông, Cục Di sản văn hóa vừa lên tiếng cho rằng, việc xây dựng toà nhà Panorama không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Nên không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích. Ông nghĩ sao về điều này?

- Cứ cho rằng toà nhà Panorama không nằm trong vùng lõi Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, nhưng không thể nói không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường của Di tích danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng. Bởi nhìn một toà nhà 7 tầng bằng bê tông đứng chình ình, xấu xí, lối kiến trúc thì thô kệch, không mang tính dân tộc, cũng chẳng phải kiến trúc có thể hoà vào với thiên nhiên. Toà nhà đó “mọc” lên thực sự không phù hợp với không gian, cảnh quan môi trường. Tôi cho rằng đây vẫn là điều sai trái và không thể đồng tình, ủng hộ được.

Đấy là còn chưa nói, đối với những công trình xây dựng ở vị trí tiếp giáp, vùng đệm thì vẫn phải xin và có ý kiến của cơ quan quản lý văn hóa.

Ông nghĩ sao về một thực tế khá buồn là các tỉnh, các địa phương cứ xin xếp hạng các di tích, di sản văn hoá nhưng việc xâm hại, biến dạng di tích thì vẫn diễn ra bình thường?

- Chính xác. Nước mình cứ đề nghị xếp hạng di tích, di tích quốc gia đặc biệt, thậm chí là đối với cả các di tích, danh lam thắng cảnh được UNESCO vinh danh, nhưng khi có được danh hiệu rồi thì chúng ta đã không có những ứng xử đúng đắn với các di tích, danh lam thắng cảnh đó. Chúng ta đã không đưa ra được lộ trình, quy hoạch lâu dài cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Nhiều địa phương đã không đưa ra được lộ trình khoanh vùng di tích, quy hoạch địa giới rõ ràng để cho phép chỗ nào thì được phép xây dựng, xây dựng ra sao, như thế nào.

Một vấn đề nữa đang trở nên nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đó là chúng ta nặng về vấn đề khai thác di tích để phục vụ cho lợi ích thế này, thế khác mà ít quan tâm tới bảo vệ di tích đó.

img

Nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của con đèo nổi tiếng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Thưa ông, ở vị trí hiện nay của mình, ông nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di tích, di sản văn hoá, dù đây là câu hỏi không còn mới?

- Câu hỏi này không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước cũng đang được đặt ra. Đặc biệt với những nước đang phát triển. Ở Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ về xây dựng, từ xây dựng về hạ tầng đô thị tới giao thông…, thậm chí cả xây dựng trong lĩnh vực văn hoá là di tích thì dường như đang diễn ra trên nhiều tỉnh thành. Nên giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế xã hội địa phương đang là câu hỏi lớn, là một mắc mớ không nhỏ. Nếu chúng ta quá thiên về bảo tồn cũng không được bởi như vậy sẽ không góp phần vào phát triển kinh tế, nhưng nếu nói phát triển kinh tế bằng mọi giá thì cũng không được.

Tôi đồng ý, trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển thì phải kết hợp hài hoà để vừa phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương, nhưng chúng ta vẫn phải đặc biệt quan tâm bảo vệ di tích. Bởi nếu không bảo vệ di tích thì khi nó mất đi chúng ta sẽ không còn gì nữa. Không có gì để mà phát triển kinh tế hay du lịch.

Một điểm nữa tôi muốn nói đến, đó là với người dân, họ có thể không hiểu sâu sắc về Luật Di sản văn hoá. Người dân, người kinh doanh có thể chỉ nhìn thấy địa điểm nào có lợi, có thể kinh doanh tốt, mang lại nhiều lợi nhuận thì họ xây dựng, kinh doanh mà không nghĩ đến việc mình làm là đang làm hại hay phá vỡ di tích.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây, điều đáng trách chính là cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, những người, những cơ quan vừa có quyền, vừa hiểu Luật Di sản văn hoá, biết xây dựng thì sẽ làm hỏng, phá vỡ di tích, nhưng vẫn cho xây dựng hay không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình là thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời.

Ví dụ như sự việc vừa xảy ra ở Mã Pí Lèng, toà nhà Panorama to như vậy, có phải cây kim đâu mà các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành từ huyện Mèo Vạc đến tỉnh Hà Giang lại không biết? Hoặc biết mà không ngăn chặn, lại cứ để nó ngang nhiên diễn ra?

Hệ lụy không thể đo đếm được

Nhìn từ sự việc "Cái gai trên đỉnh Mã Pí Lèng" cho tới các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khác bị xâm hại, biến dạng thì hệ luỵ của nó sẽ như thế nào, thưa ông?

“Có người đã nói với tôi, Việt Nam chỗ nào cũng có di sản, trên mảnh đất thủ đô Hà Nội mỗi bước chúng ta đi đều có di sản văn hoá. Tuy nhiên, nếu cứ cái gì thuộc về xa xưa cũng đem ra bảo tồn thì sẽ không xuể. Vì vậy, chỉ có thể xây dựng mối quan hệ, kết hợp hài hoà bằng cách chắt lọc những gì tinh tuý, điển hình của di tích, di sản văn hoá để bảo tồn”.

Theo tôi, nếu chúng ta không giải quyết nghiêm khắc vấn đề ở Mã Pí Lèng thì sẽ tạo nên một hội chứng, người này làm được thì người khác cũng làm được, chỗ này làm được thì chỗ kia cũng làm được. Nhìn rộng ra thì có thể thấy, từ Tràng An – Ninh Bình, tới Hạ Long và giờ Hà Giang… nhiều di tích đã bị xâm hại, biến dạng. Thật đau lòng khi nhìn thấy các di tích bị xâm hại bởi những nhà bê tông, đường bê tông… Càng đau lòng hơn khi sự xâm hại, biến dạng đó không đến từ nguyên nhân bảo tồn, gìn giữ di tích…

Về hướng giải quyết, tôi cho rằng sự việc ở Mã Pí Lèng phải xử lý rất nghiêm khắc. Chúng ta đã có đầy đủ luật từ Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Di sản văn hoá, Luật Xây dựng, khi xử lý cần tuân thủ đúng luật pháp, quy định của Nhà nước. Cho dù toà nhà đó được xây dựng tốn kém, mất công sức, tiền đầu tư, nhưng vì nó vi phạm luật pháp thì vẫn phải kiên quyết phá bỏ.

Chúng ta đã có những ví dụ cụ thể: Toà nhà số 8B phố Lê Trực, Hà Nội; việc xây dựng trái phép ở Tràng An, Ninh Bình… xây dựng phá vỡ không gian, cảnh quan môi trường đã và đang phải phá dỡ. Vì vậy không có lý do gì toà nhà Panorama ở hẻm vực Tu Sản, Mã Pí Lèng lại được phép tồn tại!

Nếu chúng ta xử lý không nghiêm, chỉ phạt theo kiểu vài chục đến vài trăm triệu đồng rồi vẫn cho tồn tại thì sẽ không thể làm gương cho những vi phạm tiếp theo. Và như vậy hệ luỵ của việc này trong tương lai sẽ không lường hết được.

Qua đây cũng phải thấy một thực tế về công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế. Thông thường thì cứ khi sự việc xảy ra, di tích bị xâm hại, người dân, báo chí phát hiện thì cơ quản quản lý nhà nước mới đi kiểm tra, thanh tra.

img

Cần xử lý nghiêm vụ việc nhà hàng Mã Pí Lèng theo đúng quy định, tránh để lại hệ lụy xấu về sau. Ảnh: Nguyễn Quý.

Nhắc tới trách nhiệm, ông nghĩ như thế nào về năng lực của các Sở VHTTDL các địa phương trong việc quản lý văn hoá, di tích, di sản cũng như việc bảo tồn phát triển?

- Trong văn hoá có lẽ không lĩnh vực nào lại có đầy đủ văn bản pháp luật như lĩnh vực di sản. Văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, các quy định phân cấp… về quản lý di sản khá đầy đủ. Trong đó quy định rất rõ vai trò, vị trí, chức năng của công tác kiểm tra, thanh tra ở lĩnh vực này.

Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta đều thấy công tác này còn nhiều bất cập. Tôi ví dụ vì không thường xuyên kiểm tra, giám sát các di tích nên những sự việc như: Đền Trần (Thái Bình), Chùa Bối Khê (Hà Nội), cháy chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), xây dựng ở vùng lõi ở Tràng An – Ninh Bình hay như Mã Pí Lèng… đã bị xâm phạm rồi thì cơ quan quản lý nhà nước mới biết và mới lập đoàn thanh tra đi kiểm tra.

Xin được hỏi Tiến sĩ câu hỏi cuối, theo ông nguyên nhân chính nào dẫn tới việc càng tu bổ, bảo tồn càng bị biến dạng di tích?

- Theo tôi, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có mấy nguyên nhân chính như sau: Thứ nhất là việc bùng phát về kinh tế thị trường trong thời gian gần đây; Thứ hai là công tác bảo vệ di tích, di sản của chúng ta đã không theo kịp với thực tế và một nguyên nhân quan trọng đó là nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp tại các địa phương cho tới nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Nhưng theo tôi, bao trùm lên tất cả như thực tế đã chứng minh và xã hội cũng nhận thức được là nguyên nhân: Di sản văn hóa đã là một nguồn lực đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và của cả quốc gia.

Vì vậy, việc can thiệp “tích cực” hay “tiêu cực” vào di sản là tất yếu. Chúng ta ủng hộ những can thiệp tích cực, đúng với các quy định của Nhà nước nhằm tôn vinh và phát huy giá trị của di tích, nhưng cũng phải kiên quyết đấu tranh với những can thiệp dẫn đến sai phạm, xâm hại di tích. Với loại can thiệp thứ hai này, không có con đường nào khác là phải xử lý thật nghiêm minh theo pháp luật.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ!