Làm tranh đính đá bằng chân
Căn nhà của gia đình Võ Thị Lệ Hằng (SN 1987, ở tiểu khu Truyền Thống, Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nằm heo hút giữa rừng cao su, hàng xóm gần nhất cách đó cũng gần nửa cây số.
Góc nhỏ của Hằng, nơi cô ăn, ngủ, làm việc mỗi ngày.
Trong căn nhà đơn sơ, chật hẹp, Hằng đang ngồi trên chiếc giường cũ kỹ, trước mặt là một bức tranh phong cảnh lớn được trải ra.
Đôi tay Hằng co quắp, đưa qua đưa lại trước mặt để giữ thăng bằng, chân trái giữ bức tranh, chân phải kẹp bút, cô gồng mình đưa chân chấm cây bút vào lọ, chọn màu đá rồi đính vào bức tranh trải rộng.
Hằng đang làm nốt bức tranh để giao cho khách.
Hằng bảo, vì lỡ hẹn với khách nên chị phải gắng làm xong bức tranh để kịp giao.
Hằng sử dụng ngón chân cái để điều khiển điện thoại, sử dụng mạng xã hội quảng bá sản phẩm của mình.
Làm tranh đính đá vốn cần đến sự tỉ mỉ, kiên trì và một chút khéo tay, đối với người bình thường đã khó nhưng với một người khuyết tật, không có khả năng cầm nắm mọi thứ bình thường như Hằng là cả một sự nỗ lực không thể diễn tả bằng lời. Cô phải làm bằng chân, đôi bàn chân yếu ớt, tật nguyền.
"Vì không thể đến trường nên tôi học từ hai đứa em và nhờ mẹ dạy thêm nên giờ đọc và viết chữ thành thạo. Lúc đầu, tôi học mây tre đan nhưng phải ở xa nhà, không ai đỡ đần sinh hoạt nên sau khi tiếp tục tìm hiểu, tôi đã chọn làm tranh đính đá", Hằng kể.
Hằng tự tô son môi.
Đã hơn một năm nay Hằng có thể tự nuôi sống mình bằng tiền làm tranh đá. "Với một người bình thường số tiền đó quá nhỏ bé. Nhưng với mình là cả một gia tài", Hằng tâm sự. |
Nhiều lúc, do ngồi lâu nên người co cứng lại không thể cử động được. Nhức nhối, đau đớn, nhưng Hằng vẫn kiên trì thực hiện, không từ bỏ.
Bức tranh đầu tiên, Hằng làm trong 2 tháng trời. Sau đó, Hằng đăng lên Facebook bán và có người đặt mua. Cầm 900 ngàn đồng làm ra lần đầu tiên trong đời, cô đã mất ngủ suốt đêm.
Hằng dùng số tiền đó để đầu tư làm tiếp những bức tranh khác lớn hơn. Cứ khoảng hai tháng Hằng làm xong một bức, số tiền bán được khoảng 2-3 triệu đồng.
Từ chối nhận tiền vì bệnh không chữa được
Có những việc như cột tóc, thay đồ… Hằng phải nhờ mẹ.
Bà Bùi Thị Thu Hà, mẹ của Hằng nhớ lại: "Tôi bầu được 7,5 tháng thì sinh Hằng, lúc sinh ra, nó bị vàng da và chỉ nặng 1,2kg. Trong mấy tháng đầu, cân nặng nó tăng nhanh, 8 tháng đã 10kg nhưng nó không lật, không ngồi cũng không thể cầm nắm thứ gì. Chạy chữa khắp nơi, đến năm 15 tuổi Hằng mới tập đi và tập dùng chân thay đôi bàn tay".
Lớn lên thành thiếu nữ, đó cũng là lúc Hằng ý thức rõ ràng nhất về các khiếm khuyết của mình nhưng cô rất lạc quan. Khi trò chuyện với chúng tôi, Hằng luôn nở nụ cười, dù đôi khi nụ cười bị những cơn đau làm cho méo mó.
Bức tranh làm gần 2 tháng khách đặt nhưng không lấy.
Hằng kể trước kia mình cũng hay khóc vì tủi phận nhưng giờ Hằng đã biết vượt qua những điều mà trước đây tưởng chừng không làm nổi.
Trước mặt chúng tôi, Hằng lấy ra một thỏi son và một cây cọ, thuần thục mở nắp son, lấy cọ quét vào rồi tô lên môi. Hằng bảo, là con gái, Hằng cũng muốn được xinh đẹp như bao người khác.
Ngôi nhà nhỏ của Hằng lọt thỏm giữa vườn cao su.
Tranh Hằng làm ra, có những bức bán được ngay, nhưng cũng có những bức khách đặt làm xong rồi không lấy nên thu nhập bấp bênh. Hằng chỉ mong có được thị trường tiêu thụ ổn định để chuyên tâm hơn vào công việc.
Cách đây gần 3 năm, một số người biết đến câu chuyện của Hằng đã ủng hộ một số tiền để cô ra Hà Nội tìm cách điều trị đôi chân. Nhưng sau đó, các bác sĩ kết luận trường hợp của Hằng không thể làm gì khác bởi đã quá tuổi có thể điều trị.
Ngay khi về, Hằng thông báo với mọi người đừng hỗ trợ cho mình nữa mà hãy chuyển sự hỗ trợ đó qua cho người khác vì nhiều người còn cần số tiền đó hơn.