Dân Việt

Làm nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng: Ít nông dân nhập cuộc

Văn Long 08/10/2019 19:10 GMT+7
Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở Lâm Đồng đã đạt bình quân trên 400 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nơi đạt hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất ứng dụng CNC, công nghệ thông tin của tỉnh còn hạn chế (mới chiếm 20% diện tích đất canh tác).

Giá trị cao

Anh Nguyễn Đức Huy (35 tuổi, TP.Đà Lạt), tốt nghiệp thạc sĩ sinh học thực vật tại TP.HCM, cho biết: “Làm nông bây giờ điều lo nhất không phải là trồng như thế nào, chăm sóc, theo dõi ra sao mà những thứ quan trọng nhất đều ở thiết bị điện thoại thông minh”.

Được biết, anh Huy đã tự viết phần mềm điều khiển riêng cho khu vườn của mình, có kết nối với smartphone, máy tính, công cụ đọc, hiểu diễn biến sinh thái thực tế trong vườn. Nhờ đó, anh Huy có thể chăm sóc khu vườn của mình dù ở bất cứ đâu thông qua điện thoại.

img

Nông dân Lâm Đồng đã quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.  Ảnh: Văn Long

"Các doanh nghiệp, hộ nông dân ở địa phương đã lựa chọn, đầu tư công nghệ, thiết bị phù hợp, xây dựng quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp CNC. Do đó các công nghệ tiên tiến trên thế giới được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tưới nhỏ giọt, thủy canh và công nghệ sau thu hoạch...”.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Cũng như anh Huy, anh Cao Xuân Hải (Việt kiều Canada) trồng dâu tây CNC, bán được giá từ 200.000 - 350.000 đồng/kg. Anh Hải cho biết, trang trại sử dụng toàn bộ hệ thống nhà kính theo chuẩn châu Âu, trong đó sử dụng hệ thống phun sương, quạt thông gió tự động, giúp tối ưu điều kiện để dâu sinh trưởng. Vì vậy, dâu có thể thu hoạch quanh năm chứ không còn theo mùa.

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trên cơ sở phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Lâm Đồng, đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại với mức đầu tư cao được hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư đưa vào sản xuất. Đó là nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT… Giá trị sản xuất CNC của Lâm Đồng bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, riêng mô hình sản xuất rau cao cấp đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 - 9 tỷ đồng, hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm”.

Diện tích ứng dụng còn thấp

Cũng theo ông Đa Cát Vinh, nhìn lại những con số ở trên thì diện tích đất sản xuất ứng dụng CNC, công nghệ thông tin (chiếm khoảng 20% diện tích đất canh tác) của tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của địa phương.

Ông Vinh phân tích: “Đa số diện tích ứng dụng công nghệ thông tin tập trung tại một số vùng chuyên canh về rau hoa, còn các cây trồng khác tại các địa phương còn khiêm tốn. Mặt khác, diện tích đất sản xuất đã được ứng dụng CNC và công nghệ thông tin chủ yếu là do tích tụ ruộng đất, hình thành trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp. Chính vì vậy, tỷ lệ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất còn quá ít so với số hộ sản xuất nông nghiệp.”.

Xác định ứng dụng CNC, công nghệ thông tin là điều kiện để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Lâm Đồng đang khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có trên 65.000ha ứng dụng CNC; trong đó có 500 - 700ha rau hoa, các loại cây đặc sản và cây chè ứng dụng công nghệ cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2 và quản lý dinh dưỡng.