Tại buổi làm việc với báo Dân Việt vào trưa ngày 25.2, sau giây phút khá bất ngờ khi nghe thông tin về sự việc trên, bà Đinh Thị Y Ban Quí, Trưởng phòng VHTT huyện Ba Tơ đã cung cấp một số thông tin liên quan đến di tích lịch sử này.
Ranh giới hàng rào giữa nhà của ông Phong và di tích đồng chí Hai |
Theo tài liệu lịch sử, thì sau khi nhận được tin Nhật đảo chính Pháp tại thị xã Quảng Ngãi (nay là TP. Quảng Ngãi), tại đây vào đêm 10.3.1945, tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã triệu tập cuộc họp cấp tốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Quang Giao, Bí thư và các thành viên, gồm: Trần Lương, Trần Quý Hai, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn...
Cùng với quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tại Châu lỵ Ba Tơ bằng “Biện pháp kỳ tập” bất ngờ nổi dậy, cướp đồn khố xanh rồi tràn sang đánh chiếm Nha kiểm lý. Hội nghị cũng đã quyết định thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa, gồm các đồng chí: Trần Lương, Trần Quý Hai, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, do đồng chí Trương Quang Giao làm Trưởng ban.
Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, Bắc-Nam thống nhất, nơi đây (nhà của đồng chí Trần Quý Hai), đã được phục dựng và trở thành 1/11 di tích thuộc quần thể di tích Khởi nghĩa Ba Tơ, có tổng diện tích của khuôn viên 570m2 (dài 30m, rộng 19m).
Với ý nghĩa lịch sử to lớn như vậy nên thông tin chủ tịch huyện lấn chiếm đất di tích đã gây không ít xôn xao trong dư luận ở địa phương. Tại buổi làm việc vào chiều cùng ngày, ông Phong cho biết: "Do tường phía đông giáp với diện tích đất của gia đình nên vào tháng 9.2012, trước khi đơn vị chủ quản là Sở VH-TT&DL tỉnh tiến hành sửa chữa lại di tích này, để tránh những điều tiếng không hay, tôi cũng đã gửi những giấy tờ liên quan về mảnh đất của gia đình để sở xác định và kiểm tra lại ranh giới đất rồi.
Thế nhưng không hiểu vì sao lại xuất hiện thông tin trên. Là một lãnh đạo chính quyền địa phương lẽ nào tôi lại không hiểu nên đi lấn vài mét đất như như luận đã đồn".
Trao đổi qua điện thoại, Ts Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cũng khẳng định: Không có chuyện ông Phong lấn chiếm đất của di tích này.
Để làm rõ vụ việc, chúng tôi đã thử dùng thước đo. Qua đó thấy phần diện tích của di tích lịch sử đồng chí Trần Quý Hai, cũng không thấy có sự thay đổi, hay chênh lệch so với văn bản mà cấp thẩm quyền chức năng Quảng Ngãi đã xác nhận vào năm 2002.
Theo nhận định của một số cán bộ và người dân trong tỉnh, thì có thể một số đối tượng xấu đã tung tin đồn sai sự thật nhằm làm giảm uy tín, niềm tin của người dân đối với cán bộ lãnh đạo chính quyền địa phương.
Công Xuân