Dân Việt

Thưởng ngoạn nước lũ tràn đồng An Giang, ăn "bét nhè" đặc sản

Minh Thư 10/10/2019 19:30 GMT+7
Khi con nước từ thượng nguồn đổ về cũng là lúc miền Tây nói chung và An Giang nói riêng bước vào mùa nước nổi. Về An Giang thời điểm này, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh nước lũ tràn đồng trắng xóa, những chiếc ghe nhỏ của dân chài đang quăng lưới kéo cá. Hành trình khám phá vùng sông nước sẽ thêm phần thú vị nếu như du khách thưởng thức những món đặc sản mùa nước nổi, như: cá linh, bông điên điển, bông súng, chuột đồng…

An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh vật hữu tình, có núi, có sông, ruộng đồng mênh mông. Nơi đây có nhiều loại thực vật và thủy sản phong phú tạo nên những món ăn ngon đậm đà, “níu chân” du khách.

Vào mùa nước nổi, vô số các loài thủy sản theo “con nước” từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, như: cá linh, cá hô, cá hú, cá mè, cá trèn, cá thác lác, cá leo, cá chạch, cá chốt, cua, ốc, rắn, ếch, lươn...

img

Người dân dùng xuồng nhỏ đi hái bông điên điển mùa lũ

Vào mùa này, du khách không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc xuồng nhỏ lênh đênh trên những con sông, cánh đồng ngập nước, những người dân chân chất đang quăng lưới kéo cá, tiếng cười nói rộn ràng, nhộn nhịp giữa mênh mông sông nước.

Về An Giang mùa nước nổi, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ngon đồng nội, với nhiều phong cách ẩm thực đa dạng, đặc trưng của người dân sông nước miền Tây. Nói đến đặc sản mùa nước nổi không thể không nhắc đến cá linh.

img

Cá linh non tẩm bột chiên giòn

Cá linh - món quà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân miền Tây và chỉ có khi "con nước" về. Cá linh đầu mùa, chỉ bé bằng đầu đũa, thịt cá ngon, ngọt, xương mềm, béo ngậy. Nước càng dâng cao, cá linh về càng nhiều. Cá linh sau khi bắt, người dân địa phương có thể chế biến thành nhiều món ăn, như: kho, chiên, nướng, nấu canh chua... tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị của sông nước miền Tây.

Cá linh non dùng để kho lạt, kho xả, nấu canh chua vì xương mềm có thể ăn cả xương. Khi con cá linh lớn một chút sẽ được rửa sạch, làm món nướng mọi, kho mía hoặc tẩm bột chiên giòn… ăn kèm rau sống chấm mắm tỏi thì ngon tuyệt. Ngoài ra, cá linh còn được ủ làm nước mắm hoặc

img

Cá linh được làm sạch chuẩn bị chế biến món ăn

Một trong những món ăn gần như không thể thiếu khi kết hợp với cá linh đó là bông điên điển. Tuy chỉ là loài cây mọc hoang trên những triền đê nhưng lũ kéo về cũng là lúc điên điển trổ bông vàng rực. Điên điển là loài cây họ đậu, có kích thước khoảng 20mm, màu vàng và bông điên điển rất giàu chất dinh dưỡng. Bông điên điển là sản vật số một mùa nước nổi, khi kết hợp những món ăn chế biến từ cá linh, như: canh chua cá linh, lẩu mắm cá linh… sẽ tạo thành món ăn bình dị, đặc sản nổi tiếng.

Để có một nồi lẩu cá linh nấu chua ngon đúng điệu, phải chọn loại cá linh thật tươi, làm sạch và để ráo nước. Kèm theo đó là nhiều nguyên liệu khác, như: nước dừa tươi, bông súng, giá, me non, ớt... Cá linh non còn nhỏ nên chín rất nhanh, chỉ cần bỏ vào nồi lẩu nhanh thôi là đã có thể thưởng thức, điên điển gặp nước nóng sẽ mềm. Vị ngọt từ thịt cá linh hòa quyện với vị chan chát của bông điên điển, tạo nên món ăn đậm đà hương vị vùng sông nước, chinh phục thực khách từ màu sắc, hương thơm, vị ngọt thanh của nước dùng.

Thực khách có thể ăn kèm với bún hoặc cơm trắng đều được. Ngoài ra, bông điên điển còn được dùng làm gỏi với tép đồng, làm dưa chua hoặc ăn sống…

img

Càng cua đồng luộc xả

img

Chuột đồng quay lu

Bên cạnh cá linh và bông điên điển, một trong những món ăn không thể bỏ qua khi về miền Tây đó là món cua đồng. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, như: luộc, rang me, rang muối hoặc nấu bún riêu cua… Nhưng ngon nhất là càng cua hấp hoặc luộc xả, chấm muối ớt.

Tiếp theo là món chuột đồng, đây được xem là đặc sản mùa nước nổi của người dân vùng sông nước, là món ăn yêu thích của những người sành ẩm thực. Khi những cánh đồng bắt đầu chìm trong “biển nước”, cũng là lúc một mùa săn chuột đồng đầy thú vị của người dân ở vùng quê nông thôn. Do nước ngập hết các cánh đồng, nên đây là thời điểm chuột rời khỏi hang trú ẩn bò lên các gò đất cao, hay cây cao để sinh sống, vì vậy việc săn bắt chuột dễ dàng và thuận tiện hơn.

Chuột đồng chủ yếu ăn lúa nên thịt và mỡ nhiều. Chuột sau khi được làm sạch, tẩm ướp gia vị sẽ được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: chuột đồng quay lu, nướng mọi, nướng muối ớt, chiên, xào lăn, rô ti… Chuột sau khi chế biến xong có thể chặt nhỏ hoặc để nguyên con, thường ăn kèm với rau sống, dưa leo, xoài chua.

Ngoài những món ăn đã được kể ra, về An Giang mùa này còn rất nhiều những món ăn đặc sản khác đã góp phần tạo nét văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng đất An Giang khi mùa nước về. Hãy đến với An Giang vào mùa này để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo đậm chất miền Tây.