Bước sang tuổi 24, cái tuổi “ăn chưa no,lo chưa đến” nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hậu đã mạo hiểm đầu từ hơn nửa tỷ đồng, sang Trung Quốc mua ngựa bạch mắt đỏ về nuôi. Dù tại địa phương mô hình nuôi ngựa bạch chưa ai dám nghĩ là sẽ thử nghiệm, chứ đừng nói là mở trang trại.
Những con ngựa bạch trên "ốc đảo" của chàng trai 8X
Khi được phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN hỏi về ý tưởng nào khiến anh mạo hiểm đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi giống ngựa lạ mà không phải là những con vật thân quen như trâu, bò, dê..., anh Hậu bộc bạch: “Không được học hành đến nơi, đến chốn lại xuất thân trong gia đình làm nông nên ngay từ nhỏ tôi đã ấp ủ dự định sẽ mở một trang trại VAC. Nhưng trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nắng như đổ lửa này cũng rất khó thực hiện ý tưởng trên. Tình cờ tôi lên mạng tìm hiểu và thấy mô hình nuôi ngựa bạch khá hay, nhất là cao ngựa bạch được biết đến như một loại "thần dược" có thể chữa được rất nhiều bệnh. Ngày đó, bố tôi cũng bị tai biến nhiều năm rất cần thuốc để điều trị”.
"Ốc đảo" Ia Rsai được bao bọc bởi sông và núi nên khá thích hợp để nuôi ngựa bạch mắt đỏ.
“Bên cạnh đó, nhận thấy đây là mô hình chưa có ai dám thử nghiệm nên bản thân tôi cũng thấy hào hứng và tò mò. Sau khi tự mình quyết định đi theo mô hình này, tôi bắt đầu vay mượn tiền học hỏi, mua giống và chọn “ốc đảo” Ia Rsai (huyện Krông Pa, Gia Lai) làm nơi để thuần hóa giống ngựa Tây Tạng. “Ốc đảo” Ia Rsai được bao bọc bởi con sông Ba huyền thoại, khá thích hợp để thuần hóa và nuôi dưỡng đàn ngựa lạ này bởi nơi đây có núi, có sông…”, anh Hậu tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Giống ngựa bạch Tây Tạng được anh Hậu mua ở Trung Quốc về thuần hóa
Nghĩ là làm, bất chấp sự phản đối từ gia đình chàng trai trẻ 8X đã tự mình xoay xở, vay mượn vốn liếng đi khắp nơi từ Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng… tìm các chuyên gia với mục đích học cách thuần phục, nuôi dưỡng ngựa bạch.
Đến năm 2016, khi kinh nghiệm đã vững vàng, anh quyết định sang Trung Quốc mua 1 con ngựa bạch đực Tây Tạng với giá hơn 200 triệu đồng và 2 con ngựa bạch cái Tây Tạng với giá hơn 200 triệu đồng để nhân giống. Chưa dừng lại, anh tiếp tục đến các trung tâm giống ngựa bạch lớn trong cả nước để mua thêm 5 con ngựa giống Việt Nam với giá mỗi con khoảng 70 -80 triệu đồng.
Hiện đàn ngựa mù của anh Hậu đã lên đến hơn 20 con
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN cách thuần hóa và nuôi dưỡng đàn ngựa bạch, anh Hậu tâm sự: “Ngựa nói chung, ngựa bạch nói riêng rất khó bị bệnh nhưng đã bệnh thì chết nhanh nên cần phải phát hiện sớm. Vì giống ngựa có ruột thẳng nên khi bị đau bụng ngựa thường hay bị chết rất nhanh. Khi nó đau bụng, việc đơn giản nhất là ngừng cho ăn, tiêm thuốc liều cao. Phần lớn người nuôi lầm tưởng bệnh đau bụng của ngựa là cảm, nên càng bồi dưỡng cho ăn nhiều. Điều này rất nguy hiểm vì khi con ngựa bạch đang đau bụng mà ăn vào, bụng càng chướng to và chết rất nhanh. Thức ăn dành cho ngựa bạch đơn giản, chỉ cần ăn cỏ và uống nước. Với những con ngựa cái đang mang thai thì cho ăn thêm cám và mật mía…”.
Mô hình nuôi NGỰA BẠCH của anh Hậu là mô hình đầu tiên tại Gia Lai
Trải qua những lần thất bại, một số ít ngựa bạch con cũng mắc bệnh rồi chết. Sau những lần thất bại, anh Hậu đã rút cho mình được những kinh nghiệm xương máu. Từ đó, chàng trai trẻ này đã tự tay mình nghiên cứu, nhân giống và thuần chủng ngựa bạch vào nhiều mục đích khác nhau để phát triển kinh tế. Đến nay, sau 3 năm chăm sóc, đàn ngựa của anh Hậu phát triển khá tốt. Các con ngựa bạch cái Tây Tạng cũng được anh nhân giống thành công khi đẻ thêm nhiều con ngựa con.
Nhiều du khách thường xuyên ghé thăm trạng trại ngựa mỗi khi đến với "ốc đảo" này
Sau 3 năm nuôi dưỡng và nhân giống, đến nay đàn ngựa bạch của anh Hậu đã phát triển lên gần 20 con. Theo tính toán của anh Hậu, ngựa cái đẻ mỗi năm một lứa, giá thị trường hiện nay 1 con ngựa bạch con khoảng 25 triệu đồng, sau một năm thì có giá 40 triệu đồng, từ 2 năm trở lên thì giá trên 60 triệu.
Đàn ngựa trắng tinh say sưa gặm cỏ bên dòng sông Ba thơ mộng