Sáng ngày 10/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức “Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Thông qua hội nghị, địa phương đã đánh giá và điểm lại công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định nguyên nhân khiến dịch phát sinh trên diện rộng đồng thời đánh giá tình hình trong thời gian tới để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ngày 21/6/2019 tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng. Đến nay, số lợn đã tiêu hủy là hơn 53.000 con (chiếm 15% tổng số đàn của tỉnh thời điểm tháng 7/2019 và chiếm 15,6% so với tổng đàn của 10 địa phương có dịch), trọng lượng tiêu hủy hơn 3.784.307 kg.
Đến nay, từ khi phát hiện dịch bệnh, Lâm Đồng đã tiêu hủy hơn 53.000 con.
Hiện nay, còn 2 huyện của Lâm Đồng chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là Lạc Dương và Đơn Dương. Tính đến ngày 8/10, có 21 xã đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, thị trấn Liên Nghĩa và xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh trở lại.
Cũng theo sở này, ước tính thiệt hại của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khoảng 156,02 tỷ đồng. Trong đó, lợn nái và đực giống là 95,15 tỷ đồng, lợn thịt và lợn con khoảng 60, 87 tỷ đồng.
Người chăn nuôi đã thiệt hại hơn 156 tỷ đồng vì dịch tả lợn Châu phi.
Dựa theo mức hỗ trợ 25.000 đồng/kg đối với lợn thịt, lợn con và 30.000 đồng/kg đối với lợn nái và lợn giống thì nhà nước cần hỗ trợ cho người chăn nuôi khoảng 105,1 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng: “Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đặc biệt, để hỗ trợ người chăn nuôi trong việc xuất bán lợn thịt đảm bảo quy định, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với Trung tâm nông nghiệp các huyện và các trang trại chăn nuôi lấy hơn 3.400 mẫu để xét nghiệm phục vụ kiểm dịch động vật xuất bán lợn thịt. Hiện, các đơn vị vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các trang trại trong việc lấy mẫu xét nghiệm để xuất bán sản phẩm”.