Ngày 11/10, Bộ NN&PTNT đã chủ trì tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và giải pháp sản xuất Đông Xuân 2019 – 2020 tại các tỉnh phía Nam ở Tiền Giang.
Hạn mặn sẽ nghiêm trọng
Thay vì Cục Trồng trọt báo cáo tình hình chung như thông lệ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã đề nghị hội nghị lần này chú trọng ngay từ đầu tình hình khí tượng, thủy văn vụ Thu - Đông vừa qua, và dự báo tác động của hạn mặn cho vụ mới.
Ông Nguyễn Kiệt – Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mùa khô năm nay, miền Nam hầu như không có mưa trái mùa, lượng mưa không đều trên toàn khu vực.
Công nhân thi công đóng đập tạm trên tuyến kênh Rạch Giá – Hà Tiên để ứng phó hạn mặn. Ảnh: Thùy Trang
Nắng nóng không kéo dài trên diện rộng, nền nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong những tháng đầu năm ở mức cao hơn TBNN.
Sang những ngày cuối tháng 6 và tháng 7, do mưa ít, cộng với việc vận hành của các hồ đập trên lưu vực, mực nước sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục. Ở khu vực trung, hạ Lào và Campuchia, mực nước xuống thấp đạt các giá trị lịch sử.
Theo quy luật nhiều năm, từ khoảng giữa tháng 6, dòng chảy sông Mê Kông bắt đầu tăng mạnh. Từ cuối tháng 7 đến nay, do các đợt mưa trên lưu vực, mực nước có tăng lên nhưng ở vùng trung và thượng lưu sông Mê Kông, dòng chảy đều duy trì ở mức rất thấp. Tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông từ đầu mùa lũ thấp hơn từ 20 - 25% so với TBNN cùng kỳ.
Dung tích trữ nước từ Biển Hồ (Campuchia) - yếu tố ảnh hưởng lớn đến nguy cơ xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô - đến nay đạt gần 38 tỷ m3, thấp hơn TBNN cùng kỳ là 13 tỷ m3.
Do ảnh hưởng thời tiết và giá cả, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đánh giá vụ thu hoạch lúa Hè thu không có lời.
Cùng với hiện tượng ENSO đã chuyển sang trạng thái trung tính từ tháng 8/2019 và kéo dài đến đầu năm 2020 nhưng nghiêng về pha nóng, ông Kiệt dự kiến tình hình sản xuất và dân sinh sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
Tại các vùng chuyên canh tác lúa, với khả năng cấp nước hiện có của các công trình thùy lợi và ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến 5 tỉnh ven biển với tổng diện tích canh tác nông nghiệp khỏang 102.000 ha.
Đối với vùng canh tác lúa - tôm ở những nơi xa nguồn nước mặt sông Mê Kông, nếu mưa khu vực kết thúc sớm, dự báo khả năng thiếu nước ngọt cho khoáng 115.800 ha.
Chủ động ứng phó
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mùa lũ năm nay đến muộn và rút nhanh. Nguồn nước năm nay về ĐBSCL sẽ hạn chế, thấp hơn TBNN, sẽ còn kéo dài từ đầu đến cuối mùa khô.
Cần đảm bảo đủ nước ngọt cung cấp cho lúa khi bố trí sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020
Cục Trồng Trọt đưa ra 2 phương án cho kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân. Phương án 1, dựa trên thông tin về thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất và khả năng xâm nhập mặn, Cục trồng trọt đề nghị giảm gần 55.000 ha diện tích lúa Đông Xuân cho khu vực ĐBSCL.
Cục Trồng trọt đề nghị chỉ bố trí sản xuất lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt; phải có đủ nước ngọt cung cấp cho lúa vào giai đoạn cuối, tối thiệu 1.000 m3 nước ngọt/ha từ giai đoạn trỗ đến chín.
“Đối với những vùng trồng lúa không đảm bảo nước ngọt, không ứng phó kịp hạn mặn có thể linh động chuyển đổi sang các loại hoa màu có lợi hơn. Đừng cố xuống giống rồi gieo sầu, chờ giải cứu lúa”, ông Tùng khuyến cáo.
Tuy nhiên, tổng hợp số liệu từ sở NNPTNT các tỉnh thành cho thấy sự tự tin vào khả năng ứng phó hạn mặn. Phương án 2 từ các địa phương chỉ giảm gần 15.000 ha cho vụ Đông Xuân.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương chủ động ứng phó với hạn mặn sắp tới.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng từ 2 phương án đã đưa ra để có kế hoạch ứng phó chủ động. Trong đó, thời vụ vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Cần tính kỹ thời gian dự kiến hạn mặn xâm nhập rồi tính ngược lại để chọn thời điểm xuống giống sớm, nhất là các tỉnh ven biển.
Trong trường hợp bất khả kháng, không nhất thiết phải chọn cây lúa mà chuyển qua các loại cây khác cho hiệu quả cao hơn. Trong tình hình hạn mặn, các địa phương nên ưu tiên giống ngắn ngày nhưng vẫn đảm bảo năng suất.
“Cần theo dõi sát tình hình khí tượng thủy văn, phối hợp chặc chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ, ngành để kịp thời ứng phó các tình huống xảy ra”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị. |