Dân Việt

Cuộc chuyển mình ở Mộc Châu và cuộc thi “Hoa hậu Bò sữa” có một không hai

Nguyên Linh 14/10/2019 08:25 GMT+7
Ngày 15/10, trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) sẽ diễn ra hội thi đặc biệt có một không hai- cuộc thi “Hoa hậu” dành cho những “cô” bò sữa lần thứ 16. Trước khi diễn ra hội thi, chúng tôi đã có dịp lên Mộc Châu để gặp gỡ, tìm hiểu về quá trình chăm sóc, luyện tập của những “thí sinh” bò tiềm năng sẽ giành “vương miện” Hoa hậu Bò sữa năm nay.

Khi nuôi bò đã thành… nghệ thuật

Những ngày đầu tháng 10 này, cặp vợ chồng 8X Đinh Văn Chỉnh và Nguyễn Thị Lệ, ở tiểu khu 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu tất bật hơn thường lệ, bởi năm nay 2 vợ chồng anh sẽ có tới 5 “cô” bò đi dự thi tại hội thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu sẽ diễn ra ngày 15/10 tới. Gắn bó với mảnh đất Mộc Châu này từ năm 2006, đến nay vợ chồng anh Chỉnh đã sở hữu đàn bò 41 con. Nuôi bò 13 năm thì có tới 12 năm liên tục, anh chị đưa bò đi thi và từng giành được giải cao nhất là giải Hoa hậu Bò sữa năm 2011, thuộc về “cô” bò cho tới 54 lít sữa/ngày.

Nói chuyện với chúng tôi khi vẫn đang tất tả chải chuốt, chăm bẵm cho 5 “thí sinh” bò, chị Lệ không giấu nổi sự hào hứng nói: “Nhà mình năm nay sẽ đưa 5 con đi tham dự hội thi, trong đó có 3 con thi ở hạng mục bò vắt sữa, 1 con thi ở hạng mục bò cạn sữa và 1 bê cai sữa. Ngay từ cách đây hơn một tháng khi được sơ tuyển, nhà tôi đã tách 5 con riêng ra để có chế độ chăm sóc đặc biệt”. Nói về “bí quyết” luyện bò, chị Lệ chia sẻ: “Muốn bò được giải cao, phải chọn được những con có ngoại hình cân đối, bầu sữa đẹp, dáng chuẩn. Để chuẩn bị đưa bò đi thi, sáng nào vợ chồng tôi cũng thức dậy từ 5-6 giờ sáng dắt bò tập đi, sau đó tắm rửa, chải chuốt và cho bò ăn”.

img

Trang trại được đầu tư khang trang lên đến tiền tỷ với hơn 40 con bò sữa của gia đình anh Chỉnh, chị Lệ

Với 41 con bò sữa cả đàn, hiện mỗi ngày cho trung bình 5-6 tạ sữa, theo giá thu mua ổn định (do Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu mua vào) là 12.000 đồng/kg (lít), tính ra mỗi tháng anh chị có lãi tới vài chục triệu đồng. “Nghề nuôi bò đã cho tôi tất cả, từ khi nuôi bò, cuộc sống đầy đủ hơn, đã xây được nhà, mua xe, nuôi các con ăn học”, anh Chỉnh tâm sự.

Rời hộ nhà anh Chỉnh, chúng tôi ghé thăm hộ ông Đinh Công Đạo ở tiểu khu Vườn Đào 1- người được mệnh danh là “đại gia” nuôi bò sữa ở đây. Ông Đạo gắn bó với nghề nuôi bò đã 30 năm và hiện sở hữu trang trại tới hơn 100 con bò sữa. Ở tuổi 70, giờ ông chỉ làm “mỗi” công việcđó là “chỉ đạo” nhân công chăm bò và chuyển giao nghề nuôi bò cho người con trai thứ hai của mình.

Ông Đạo kể, ông vốn quê gốc ở Thái Bình, lên Mộc Châu làm kinh tế từ những năm 1980 và đến năm 1989, ông bà “tậu” 2 con bê về để nuôi, từ đó ông cứ nhân dần đàn lên tới hơn 100 con như hiện tại. Thời điểm này, đàn bò nhà ông đang có 40 con cho sữa với lượng sữa bán ra hàng ngày đạt hơn 10 tạ, tương đương với việc ông thu về hơn chục triệu mỗi ngày. Năm nay, ông bà cũng chuẩn bị cho 2 thí sinh bò đi dự thi “hoa hậu”, trong đó có một ứng viên nặng ký cho 45 lít sữa/ngày. “Ngay từ tháng 8, tôi đã cho bò đi tập tành hàng ngày, rồi chăm sóc, tắm rửa, cho ăn bằng thức ăn đặc biệt hơn chút. Gia đình tôi cũng đưa bò đi dự thi nhiều năm và đã từng đoạt các giải cao nhưng chưa có con nào được hoa hậu, nên năm nay tôi quyết tâm có giải cao nhất”- ông Đạo nói.

Mùa thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 110 “cô bò” dự thi ở các hạng mục giải như: Bò vắt sữa, bò cạn sữa, bê cai sữa… Ông Nguyễn Ngọc Hải- thành viên Ban sơ tuyển bò sữa dự thi cho biết: “Từ gần 2 tháng nay, chúng tôi đã lựa chọn và tuyển chọn được khoảng 110 con bò, bê sẽ đi dự thi từtổng đàn 25.500 con ở Mộc Châu. Tiêu chí lựa chọn của chúng tôi là bò phải khỏe, đẹp, cho sữa từ 40kg/ngày trở lên. Sau đó, chúng tôi thường xuyên cử các kỹ thuật viên để hỗ trợ bà con chăm sóc, tập luyện cho bò, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để tham dự hội thi”.

img

Ông Đạo hạnh phúc chăm chút cho “cô” bò dự thi năm nay

Cuộc chuyển mình ở Mộc Châu

Tính chung cả Mộc Châu giờ đã có gần 600 hộ làm nghề chăn nuôi bò sữa với tổng đàn gần25.500 con, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 45 con. Theo tính toán, mỗi hộ cần nuôi từ 30 con trở lên là có lãi và thu được tiền tỷ mỗi năm. Trong mấy năm trở lại đây, người Mộc Châu đã thay đổi tư duy hoàn toàn về chăn nuôi bò sữa. Nếu trước kia, họ chỉ đơn giản là nuôi bò, cho ăn cỏ rồi vắt sữa, rồi đem ra điểm thu mua; thì giờ đây người dân đã chủ động và đầu tư vào chăn nuôi bò sữa một cách nghiêm túc. Họ chủ động chuyển sang chănnuôi khép kín, từ việc đầu tư xây dựng chuồng trại với khu vắt sữa riêng, sắm sửa các loại máy móc như máy vắt sữa, máy băm cỏ, máy rửa chuồng, máy ép phân, thậm chí nắm vữngcác kiến thức về kiểm soát chất lượng sữa, kiểm soát dịch bệnh... thành thạo như những “chuyên gia”.

Anh Đinh Văn Chỉnh cho biết, với nghề nuôi bò sữa này, muốn chăn nuôi bền vững là phải biết tái đầu tư, lấy tiền lãi để tiếp tục đầu tư mở rộng, chứ không thể lãi bao nhiêu đem đi tiêu bấy nhiêu. Từ chỗ có 2 con bê, đến nay gia đình anh Chỉnh đã có trang trại bò thuộc diện quy mô ở Mộc Châu với tổng số tiền đầu tư tới hơn 8 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Hải Nam- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: “Để công ty và nông hộ cùng phát triển, chúng tôi xác định câu chuyện liên kết là tất yếu. Theo đó, chúng tôi cung cấp cho người dân con giống, thức ăn chăn nuôi, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa, vì thế người dân rất yên tâm nuôi bò với chất lượng, quy trình đảm bảo thống nhất trong cả gần 600 hộ”.

img

Trang bị máy móc hiện đại giúp đảm bảo chất lượng sữa mỗi ngày

Cùng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, nghề nuôi bò sữa ở Mộc Châu đang có sự thay đổi đáng kể với sự đầu tư của các cổ đông chiến lược mới. Ông Trần Công Chiến- Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết: “Bằng mọi giá, tôi vẫn muốn duy trì chăn nuôi nông hộ, bởi suy cho cùng người nuôi bò vẫn là cái gốc, là nền tảng. Đặc biệt, mô hình đó giúp nhiều hộ gia đình có công ăn việc làm và khá giả hơn”.

Ông Chiến cũng mong muốn có sự quan tâm, chung tay của các bộ ban ngành, thống nhất quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu theo hướng bền vững để doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất. Bởi theo ông, không có vùng đất nào tốt bằng Mộc Châu để chăn nuôi bò sữa, khi nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước không thua kém các nước phát triển trên thế giới để chăn nuôi bò sữa.Đồng thời, vùng thảo nguyên xanh đang có những thế hệ nông dân giàu kinh nghiệm và dốc hết tâm huyết với nghề chăn nuôi bò sữa – nghề giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

“Mục đích tổ chức Hội thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu của chúng tôi là tôn vinh những người chăn nuôi bò sữa giỏi và mangcác sản phẩm sữa tươi tốt nhất ra thị trường. Năm nay, hội thi đã bước sang lần thứ 20 liên tục và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, tổ chức hàng năm. Cũng có lãnh đạo gợi ý hay mời cả nơi khác đưa bò đến dự thi, nhưng cái này chúng tôi còn phải bàn lại để có cách tổ chức hội thi phù hợp”.

(Ông Trần Công Chiến)