7 giờ sáng chủ nhật, đang ngon giấc sau một tuần làm việc vất vả, ông Lộc bị tiếng chuông đánh thức. Bực mình vì bị phá giấc ngủ, ông vội rửa mặt mũi, xuống mở cửa. Một gương mặt lạ giao một bịch gồm có: cua đồng, rau cải, ốc… kèm theo lời nhắn: “Vợ anh nhờ mua giùm”.
Không nói gì, ông lẳng lặng mang tất cả bỏ vô tủ lạnh. Cũng quên luôn chuyện phải trả tiền cho người mua giùm, rồi tự nhủ: Ai nhờ mua người đó trả!
20 phút sau đứa con dâu của ông đi chợ về mang đủ thứ rau quả trái cây. Bị “đụng hàng”, cô nàng dâu thắc mắc: “Sao ba má mua đồ không nói trước để khỏi mua?”. Báo hại, vài món mua trùng mà tủ lạnh đã hết chỗ chứa. Mẹ chồng phân bua: “Thấy cô bạn hay đi chợ quê nên dặn mua giùm. Lúc nào có và tiện, người ta mua thôi. Lần này bị trùng, mang qua tặng bớt cho hàng xóm”.
Không phải lần đầu tiên nhà ông Lộc bị “đụng” hàng. Có những lần khác, chứng “cuồng hàng quê, hàng sạch, organic (hữu cơ)” của vợ làm mấy cha con ông cảm thấy vô cùng phiền phức. Không chỉ có vài người bạn mua giùm, mà còn có cả cô bán hàng ở chợ, chị giúp việc theo giờ, kể cả ông tổ trưởng!
Mỗi lần mua, “hội organic” (tên ông đặt cho mấy người bạn của vợ) mua cả đống, ăn không hết, phải đổ bỏ những mặt hàng với giá cao ngất ngưởng. Lúc đầu ông còn càm ràm, sau chán không nói nữa, để “các bà tự xử với nhau”.
Mua hàng ở các cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch giúp bà nội trợ yên tâm hơn.
Một trường hợp phiền phức không kém là chuyện giao hàng của “phe bán hàng organic”. Đa số những người bán hàng này đều làm cho vui, rồi bán trên facebook.
“Họ giao bưởi vườn tận nhà mà không hề báo trước. Cứ có hàng là mang đến nhà. Không cần biết mình có ở nhà hay đi đâu. Đôi khi gọi tới gọi lui rất phiền”, một nạn nhân than thở.
Chính vì ủng hộ nông sản sạch, bà Mai Hoa (Phú Nhuận) cho biết, sau vài lần mua sầu riêng của cô bạn làm cùng cơ quan, bà “tạch” mối hàng này. Người bán nhiệt tình í ới cũng phiền phức. Rồi cả cơ quan biết chuyện nhà ăn uống ra sao… “Thôi, thèm ra chợ mua ăn, thích thì mua. Ăn uống mà cũng bị “mất tự do” còn vui nỗi gì”, bà Hoa than thở.
Cũng có trường hợp người bán biết chủ nhà thích ăn gà ta, đã mời chào mua hàng, còn tặng thêm rau lang, nấm hương, khoai sọ… Người bán còn biết rất rõ giờ giấc sinh hoạt của gia đình vì gia chủ tự khai ra để người bán đến giao hàng. Kết quả một lần gần đây, sau khi bà Hồng (Gò Vấp) gọi điện dặn dò người bán giao thực phẩm đến tận nhà, ông chồng bực mình hét: “Bà có thôi ngay không, muốn mua gì ra chợ, siêu thị mà mua. Bán hàng mà hỏi nhiều quá. Tại sao cứ phải khai ra giờ này tui có nhà, giờ kia có chồng ở nhà? Có ngày chúng dọn hết nhà này”.
Bà Hồng “sực tỉnh”. Có hàng trăm lý do khiến mối quan hệ mua – bán trở nên không thuận thảo. Nhưng lý do quan trọng nhất chính là sự “không chuyên” của người bán. Dù là mua ủng hộ hàng nông sản, rau củ tươi sống từ người thân, bạn bè nhưng chính sự mua bán “không chuyên” làm hai bên phiền lòng!