Ngôi nhà trăm tuổi
Cự Đà là ngôi làng nằm ven sông Nhuệ, ngày xưa vốn nổi tiếng với hai nghề làm tương và miến. Những năm đầu thế kỷ 20, do thuận tiện giao thông đường thủy nên Cự Đà buôn bán rất rộng với nhiều nơi trong và ngoài nước, thế nên có rất nhiều nhà giàu có nổi lên.
Ông Lai luôn hy vọng người con trai út sẽ tiếp tục giữ gìn ngôi nhà cổ của tổ tiên. Ảnh:Văn Công
"Tôi cũng có tiền để sửa một số hạng mục xuống cấp như thay ngói, gia cố vì kèo, nhưng điều lo sợ đó là làm hỏng mất quy thức nhà cổ thôi chứ không trông mong kinh phí của các cấp”. Ông Đinh Văn Lai |
Họ bắt đầu xây nhà theo lối kiến trúc Pháp với những biệt thự lớn, cũng có nhiều nhà xây theo lối kiến trúc thuần Việt bằng gỗ nguyên khối. Cự Đà được cho là làng đầu tiên ở Bắc Bộ được sử dụng điện với một số thiết bị kéo điện trên trăm năm vẫn còn ở làng.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Đinh Văn Lai theo sự mách bảo của nhiều người rằng đó là ngôi nhà cổ nhất làng…
Người đàn ông đã 78 tuổi với khuôn mặt hiền hậu tấp tểnh mở cửa đón chúng tôi. Ông mời chúng tôi vào nhà bằng nụ cười thân thiện. Thấy chúng tôi quan sát ngôi nhà kỹ càng ngay từ cổng vào, ông Lai như hiểu ý chúng tôi đang muốn khám phá nhà cổ, ông hồ hởi và chủ động bắt chuyện.
Ông kể rằng: Ngôi nhà được cha ông xây dựng năm 1918, khi đó cha ông là một trong những nhà buôn có tiếng ở miền Bắc. Ngôi nhà được ghép bằng gỗ vàng tâm, gỗ lim chuyển từ khu vực Tây Bắc theo đường thủy. Cự Đà nằm ven sông Nhuệ nên việc vận chuyển rất thuận lợi. Cha ông đã mượn thợ tay nghề giỏi dưới vùng xuôi lên làm và sau 2 năm ngôi nhà được hoàn thiện.
Ngôi nhà mang đậm kiến trúc Việt với 5 gian thông tuông, tổng cộng 35 cột nhà, gian giữa thờ tổ tiên, họa tiết trên bức vách, cột, kèo đều là hình rồng, đài sen đậm lối kiến trúc Nho giáo. Từ khi ông lớn lên ngôi nhà vẫn còn nguyên đó, chưa từng tháo ra lắp vào chi tiết lớn nào.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, gia đình ông Lai bị xếp vào diện địa chủ, được chính quyền lưu ý. Nhưng ông vẫn tình nguyện nhập ngũ năm 1956, ở quân đội 15 năm, tham gia nhiều chiến dịch lớn. Năm 1971, do bị thương mà ông được xuất ngũ trở về quê và chính thức trở thành chủ nhân ngôi nhà do cha để lại. “Năm 2018 là ngôi nhà tròn 100 tuổi đấy các chú ạ, trông vậy thôi nhiều chỗ cũng bị hư rồi, tôi thì già yếu không đủ sức để tu sửa, con trai tôi bảo phá đi xây nhà mái bằng nhưng tôi không nghe, bố con cũng nhiều lần tranh cãi” - ông Lai ngậm ngùi kể.
Ngôi nhà cổ của ông Lai đã 101 năm. Ảnh: Văn Công
Ngoài ngôi nhà cổ, các đồ vật trong nhà ông cũng đều có tuổi rất cao, như bộ tràng kỷ, mấy cái bát đồng, cái đồng hồ treo tường, bộ cánh cửa trang trí cảnh cung đình đều đã gắn bó với ông Lai gần cả cuộc đời. Ông bảo: “Các chú để tôi vào hậu cung lấy cho xem bản thiết kế ngôi nhà”. Chúng tôi ngỡ ngàng khi nghe 2 từ “hậu cung”, đó là một phòng nhỏ nằm sau ban thờ tổ tiên. Nhìn bản thiết kế cổ đã phai nhòe, chúng tôi mới thấy được ông Lai trân trọng ngôi nhà và những kỷ vật trong nhà nhường nào. “Ngôi nhà như người bạn đời của tôi, từ khi tôi là chủ nhà đến giờ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ xây một ngôi nhà khác, bởi phá đi là phá luôn tâm huyết của bố, phá tuổi thơ của mình và phá đi một ngôi nhà cổ với đặc trưng kiến trúc Việt Nam” - ông Lai nói.
Cầm lòng giữ nhà cổ
Dạo quanh ngôi nhà từ các hướng, chúng tôi rất ấn tượng với những chi tiết điêu khắc vô cùng tinh xảo, không khác gì những ngôi đình, chùa. Ông Lai tâm sự, con cái ông cũng khuyên phá ngôi nhà đi xây 2 cái nhà ống để chúng ở riêng, nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, băn khoăn, ông vẫn quyết định không phá. Ông tự an ủi: “Mình gắng chịu bất tiện chút, đôi khi nghe tiếng mọt đục, tiếng chuột chạy, rình cả tiếng mưa dột nghe cũng bùi tai, phá đi uổng lắm, đêm nằm nhìn lên hàng chữ Nho chính tay bố tôi viết mà cứ như thấy bố mỗi đêm…”.
Ông Lai bảo: “Thỉnh thoảng tôi lại rửa ngôi nhà đấy, không phải là rửa nền này như rửa nhà lát đá hoa đâu mà là rửa tường, rửa cửa gỗ ấy chú ạ. Tôi lau bằng nước sạch, đôi khi lau bằng rượu để chống mối mọt và cho sáng bóng. Trông vậy thôi, tôi và bà nhà phải mất nguyên một ngày mới “rửa” hết cái nhà này”.
Thỉnh thoảng ông Lai lại đón những khách du lịch “không hẹn trước” đến tham quan ngôi nhà, thậm chí có nhiều khách nước ngoài. Ông Lai đều đón tiếp nhiệt tình và cho họ quay phim, chụp ảnh thỏa thích mà không lấy bất cứ loại phí nào, nhiều hôm còn làm cơm mời họ ở lại ăn, thưởng thức món tương và miến trứ danh do làng sản xuất.
Nhưng cũng nhiều đoàn khách du lịch đến Cự Đà tham quan thấy thất vọng vì hiện số nhà cổ còn lại quá ít ỏi, xen vào đó là nhiều nhà mái bằng, tổng thể kiến trúc bị phá vỡ. Ông Vũ Văn Bằng - Trưởng Ban Văn hóa xã Cự Khê cho hay: “Từ năm 1986 đến năm 1995, gần 80% số nhà cổ bị tháo dỡ do phát triển của kinh tế thị trường, quỹ đất ở bị thu hẹp, và nhà cổ không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của đời sống mới nữa. Tổng cộng cả làng bây giờ còn chưa đến 40 ngôi nhà cổ, trong đó nhà của ông Lai được cho là cổ và bề thế nhất làng”.
Khi được hỏi về công tác bảo tồn, lưu giữ nhà cổ, ông Bằng bùi ngùi trả lời: “Chúng tôi cũng chỉ tuyên truyền người dân cố gắng giữ lấy nhà cổ thôi chứ không có kinh phí giúp họ tu sửa. Làng Cự Đà cổ và đẹp thật nhưng chưa được Nhà nước công nhận như làng Đường Lâm nên chủ yếu do tâm của người dân muốn giữ lại nhà cổ, và ông Lai là một trong những người như thế”.
Ông Bằng nói thêm, năm 1990, con trai lớn của ông Lai chuẩn bị lấy vợ, ngỡ ông sẽ phá nhà cổ để xây nhà mới, xã cũng không dám can thiệp. Nhưng một lần gặp, ông Lai nói: “Tôi cũng phân vân lắm nhưng… nhất quyết không phá nhà, phải giữ lại để Cự Đà còn được nhắc đến là làng cổ với những ngôi nhà độc đáo”. Sau đó, hai con trai lớn của ông Lai đều lập gia đình, họ đều dọn ra ngoài ở riêng vì bố không đồng ý phá nhà đi xây mới. Một anh con trai bảo: “Điều hòa không lắp được, nhà thì tối, không có nền đá hoa, nhà vệ sinh không khép kín thì ở bất tiện lắm”, nhưng ông Lai vẫn cầm lòng nói: “Dẫu thế nào bố cũng không phá, cùng nhất là đến lúc bố còn sống”.
Ông Lai giãi bày, giờ tuổi cao sức yếu nhưng ông luôn ngóng chờ một lần đoàn chuyên gia văn hóa, kiến trúc trên thành phố về Cự Đà hướng dẫn tu sửa nhà cổ để làm sao giữ được nét văn hóa đặc sắc.
Làng Cự Đà sau này vẫn sẽ nổi tiếng với nghề làm tương, làm miến, cho dù hàng trăm nghề có thu nhập cao của kinh tế thị trường ập đến. Còn những ngôi biệt thự Pháp, những mái nhà cổ thuần Việt như nhà của ông Lai cứ ngày một ít dần và xuống cấp như thế này thì danh làng cổ Cự Đà chắc cũng đi dần vào quá khứ…