Dân Việt

Việt-Trung bắt tay tiêu thụ chè, cà phê: Chờ doanh nghiệp khai phá

Minh Huệ 16/10/2019 14:21 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT tổ chức Diễn đàn "Hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam – Trung Quốc”, do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú cùng chủ trì. Diễn đàn được chú ý và kỳ vọng sẽ tạo kênh kết nối giao thương, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê giữa hai nước.

Doanh nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua chè, cà phê 

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đang là nước đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu, sản phẩm đã được xuất khẩu tới 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè. Năm 2018, tổng lượng chè xuất khẩu của nước ta đạt 128.000 tấn, giá trị đạt 219 triệu USD.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (phải) và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Trường Phú dự diễn đàn.  Ảnh: M.H

Ngành chè Việt Nam đang được nâng cấp cả về quy mô, công nghệ, với khoảng 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất chế biến 5.204 tấn búp tươi/ngày. Cơ cấu sản phẩm chè của Việt Nam chiếm 60% chè đen, 40% chè xanh gồm chè sao lăn, xanh duỗi, các loại chè đặc biệt như ô long, phổ nhĩ, chè hương, thảo dược…

Đối với ngành cà phê, tổng diện tích sản xuất cả nước năm 2018 đạt hơn 688.000ha, sản lượng cà phê nhân xấp xỉ 1,42 triệu tấn, tăng 49.000 tấn so với 2017. Hiện cà phê Việt Nam đã xuất khẩu trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu và dẫn đầu toàn cầu về cà phê robusta. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,88 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD, tăng gần 20% về lượng và 1% về giá trị so với năm 2017.

img

Người dân huyện Định Hoá (Thái Nguyên) thu hoạch chè trồng theo quy trình an toàn. Ảnh:  N.T

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, với tính chất địa lý, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nhóm nông sản, thủy sản có thể bổ trợ cho nhau. Đặc biệt về các sản phẩm cây công nghiệp, Việt Nam có lợi thế như: Sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới; 1,2 triệu tấn cao su; 3 triệu tấn hạt điều... mà Việt Nam chỉ sử dụng hết một nửa, còn lại là xuất khẩu.

Về vật tư nông nghiệp, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các nông sản ôn đới của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhập khẩu nông sản Việt Nam. Tiềm năng, lợi thế 2 nước còn rất lớn và cần tính đến cung ứng cho chuỗi nông sản toàn cầu.

Ông Hàn Trường Phú – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc cũng thông tin, hiện nay nhu cầu tiêu thụ chè, cà phê của Trung Quốc rất lớn. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, cộng với lượng khách du lịch đến Trung Quốc mỗi ngày, nhu cầu sử dụng đối với 2 loại đồ uống này ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu đứng thứ 12 về cà phê (kim ngạch trên 109 triệu USD) và đứng thứ 4 về chè (kim ngạch gần 20 triệu USD)  của Việt Nam. Kết quả này còn khiêm tốn so với nguồn lực dồi dào của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Hàn Trường Phú, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp cà phê, chè của Việt Nam sang Trung Quốc tìm kiếm thị trường, đối tác. “Bản thân chúng tôi cũng có nhu cầu về mặt hàng này và mong muốn trong thời gian tới, 2 nước sẽ tăng cường thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chè, cà phê chất lượng, có thương hiệu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng” - Bộ trưởng Phú nói.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết ngành cà phê Việt Nam đã có lịch sử phát triển hơn 200 năm, sản phẩm cà phê Việt Nam được đánh giá cao về độ thơm, ngon. Năm 2018, khi đi dự hội chợ ở Hiệp hội Cà phê các nước châu Á, sản phẩm cà phê Cầu Đất của Việt Nam đã được xếp thứ 2 sau vùng cao nhất của Đài Loan. Nắm bắt được thế mạnh đó nên đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến cà phê, chè.

Thiếu vắng tiếng nói nông dân

Mặc dù đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn này, tuy nhiên bà Nguyễn Nga - Việt kiều Pháp thẳng thắn chia sẻ: Thật tiếc là diễn đàn này không hề có bóng dáng người nông dân. Trong thời kỳ người Pháp có mặt ở Việt Nam, sản phẩm trà và cà phê nước ta đã được đưa ra thế giới với những thương hiệu đẳng cấp. Những kinh nghiệm về sản xuất, chế biến cà phê, trà của người Pháp ở Việt Nam khi xưa rất quý giá nhưng giờ đang bị bỏ quên.

“Qua diễn đàn này, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc sẽ cùng nhau hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng phát huy thế mạnh, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh hay chuyện các thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua kiểu tận diệt các vùng trà cổ thụ, biến Việt Nam thành nơi cung cấp nguyên liệu trà thô với giá rẻ. Bên cạnh đó, thiết nghĩ cần phải mời nông dân đến dự diễn đàn, bởi nếu không có nông dân sản xuất ra cà phê, chè thì hôm nay các doanh nghiệp không có cơ hội để trò chuyện, hợp tác với nhau” - bà Nga nói.

Nhà nước tạo cơ chế cho doanh nghiệp, việc còn lại là các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng làm thế nào để tăng cường hợp tác giữa 2 bên. Bộ NNPTNT sẽ giao luôn nhiệm vụ cho Hiệp hội Chè Việt Nam hàng năm tham gia Ngày hội chè quốc tế tại Hàng Châu (Trung Quốc), dành riêng 1 ngày để giới thiệu chè, cà phê của Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Cũng theo bà Nga, không phải máy móc, công nghệ đem đến sản phẩm, khâu nào cũng phải chuẩn, nhưng khâu quan trọng nhất chính là người nông dân. Họ phải nhận thức được giá trị trong khâu sản xuất, tự nâng cao ý thức sản xuất an toàn thì mới có những sản phẩm chè, cà phê thực sự chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Về ý kiến của bà Nga, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng khá lớn đối với sản phẩm chè Việt Nam. Mục tiêu mà ngành nông nghiệp đề ra là sản xuất chè bền vững, mặc dù kim ngạch còn khiêm tốn so với nhiều loại nông sản khác nhưng có rất nhiều tiềm năng, cả về giá trị kinh tế, giá trị văn hoá và có thể nói ngành chè mang tính chất biểu tượng.

Do đó, chủ trương của Bộ NNPTNT là tăng cường xây dựng các vùng chè an toàn, hữu cơ, tiếp tục đầu tư về khoa học công nghệ, tuyên truyền, phổ biến đào tạo nâng cao nhận thức tay nghề cho nông dân, các cơ sở sản xuất chế biến để sản phẩm chè hội tụ được đầy đủ những giá trị cao nhất.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, thương mại 2 nước 9 tháng đầu năm nay đã đạt 113,3 tỷ USD, dự kiến cuối năm sẽ đạt 150 tỷ USD. Trong đó giá trị gia tăng của chè, cà phê tiếp tục tăng trưởng từ đầu năm 2018 đến nay. Điều chúng ta còn băn khoăn, đó là Trung Quốc có sản lượng chè lớn nhất thế giới, xuất khẩu cũng lớn nhất, trong khi Việt Nam chỉ đứng thứ 5 về xuất khẩu, thứ 6 về sản xuất, liệu rằng chúng ta có bị cạnh tranh, triệt tiêu hay không?

“Tôi cho rằng không có e ngại, mà cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Theo số liệu của FAO, nhu cầu toàn cầu về chè đen tăng bình quân 2,2%/năm, dự kiến đến năm 2027 sẽ tiêu thụ khoảng 4,4 triệu tấn; chè xanh tăng 5,7%, đến năm 2027 sẽ đạt 3,6 triệu tấn, sản xuất của 2 nước không đáp ứng đủ. Như vậy đó không phải là vấn đề tiêu thụ, mà là gìn giữ nét văn hoá về đồ uống của người Trung Quốc và Việt Nam. Nhu cầu đó luôn luôn phát triển, do đó doanh nghiệp 2 nước có thể hợp tác, thúc đẩy bằng 3 con đường: Công nghệ giống, chế biến và công nghệ xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị của chè và cà phê” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch 8 loại hoa quả

Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NNTPTN Việt Nam Cường và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc đã có cuộc hội đàm về hợp tác, phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn Bộ trưởng Hàn Trường Phú thúc đẩy để 8 loại hoa quả Việt Nam đã gửi hồ sơ sang sớm được xuất khẩu chính ngạch vào nước này. Đây là những nông sản mà doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu cao để phát triển chế biến như: sầu riêng, khoai lang…