Dân Việt

Giá heo hơi tăng "nóng", Bộ Nông nghiệp dự báo gì?

Minh Huệ 14/10/2019 20:32 GMT+7
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay giá heo hơi ở miền Bắc cao nhất cả nước, đạt từ 60.000-63.000 đồng/kg; tại miền Nam trung bình từ 58.000-60.000 đồng/kg. Căn cứ vào tổng đàn và tình hình dịch bệnh, dự báo giá heo hơi từ nay tới cuối năm sẽ còn tăng, nhưng sẽ không tăng "nóng" và quá cao như thị trường Trung Quốc.

Chiều nay (14/10), Bộ NN&PTNT đã tổ chức buổi họp báo thường kì quý III/2019, do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì.  

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì buổi họp báo. 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2/2019, đến thời điểm này, cả nước đã bị thiệt hại khoảng 5,5 triệu con lợn, tương đương khoảng 8% tổng sản lượng thịt. Đỉnh điểm là hồi tháng 5, cả nước đã phải tiêu huỷ tới 1,2 triệu con lợn do nhiễm dịch bệnh, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương và bộ ngành liên quan, nhất là tăng cường các giải pháp chăn nuôi an toàn nên đến nay, dịch bệnh đã giảm dần, tiêu thụ thịt lợn đã trở lại bình thường, giá lợn hơi đang tăng cao nên người chăn nuôi rất phấn khởi. 

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về tình hình giá lợn hơi hiện nay và dự báo thị trường cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện giá lợn hơi cả nước đang tăng và bình quân ở miền Bắc dao động từ 60.000 - 63.000 đồng/kg, trong đó cao nhất tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc; giá heo hơi tại miền Nam đang dao động từ 58.000 - 60.000 đồng/kg, còn tại miền Trung từ 50.000 - 57.000 đồng/kg.  

Cục Chăn nuôi đã yêu cầu các địa phương có báo cáo về tình hình chăn nuôi lợn và đến nay, đã có 56 tỉnh cung cấp con số, với tổng đàn lợn thịt hiện khoảng 22 triệu con. Cộng với con số từ 7 tỉnh còn lại, dự kiến tổng đàn lợn nước ta vào khoảng 24-25 triệu con, trong đó còn khoảng 2,7 triệu con lợn nái, 110 con cụ kị ông bà. 

Tổng đàn nái này có thể chủ động được con giống để bà con nông dân tái đàn từ nay tới sau Tết Nguyên đán nhằm chủ động nguồn thực phẩm. Ngoài ra, với việc đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, gia cầm, thuỷ sản thời gian qua, chúng ta đang có thêm sản lượng thực phẩm khá lớn bù đắp cho lượng lợn thịt lợn bị thiếu hụt. Nếu tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn sinh học (hiện thịt lợn chiếm trên 70% nhu cầu thực phẩm hàng ngày), thì chúng ta có thể chủ động được nguồn thịt 30-4 tháng cuối năm và không lo thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán.

img

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động từ 60.000-63.000 đồng/kg. Trong ảnh: Thương lái chọn mua lợn tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam. Ảnh: Trần Quang

Về dự báo giá heo hơi từ nay tới cuối năm, ông Trọng cũng cho biết, khoảng 2 tuần qua giá heo hơi đang tăng cao, dự kiến giá heo hơi sẽ còn tăng trong thời gian tới do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên chắc chắn sẽ không tăng "nóng" tới mức khủng khiếp như thị trường Trung Quốc (hiện giá heo hơi tại một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam đã tăng hơn 104.000 đồng/kg). 

"Diễn biến thị trường đang theo đúng kịch bản Bộ NN&PTNT đã lường trước. Lượng thịt lợn giảm nhưng đang được bù đắp bởi lượng thịt gia cầm, thịt bò, trâu...; có tỉnh tăng đàn gia cầm tới khoảng 40%. Cũng có ý kiến lo ngại chúng ta phải nhập khẩu thịt lợn, nhưng thực tế chúng ta chủ yếu nhập một lượng nhỏ thực phẩm phụ như chân giò, nội tạng, khấu đuôi, còn thịt thăn rất hiếm nhập vì giá cao, từ 380.000-400.000 đồng/kg thì làm sao bán được cho người tiêu dùng", ông Trọng nói. 

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Thời gian qua Bộ đã có những động thái quyết liệt để phòng chống dịch tả heo châu Phi, trong đó có 60 văn bản chỉ đạo. Đặc biệt là nhờ kiên quyết đẩy mạnh áp dụng an toàn sinh học nên đến nay, dàn lợn ở các tập đoàn lớn chưa hề xảy ra dịch như C.P, Greenfeed, Quế Lâm, Aovet Hải Phòng... 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) khẳng định, chúng ta không thất bại trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi mà vẫn đang làm rất tốt công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, áp dụng triệt để các giải pháp chăn nuôi an toàn, đặc biệt có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, chúng ta gặp khó khăn là do dịch tả heo châu Phi không có vaccine, thuốc chữa bệnh, ngay cả các nước có nền chăn nuôi tiên tiến hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bị "đại dịch" này gây thiệt hại lớn.