Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi nhận được phản ánh về nguồn nước không đảm bảo, các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm.
Kết quả cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren, thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 microgam/ lít.) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).
Tuy nhiên, tại buổi họp giao ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) lại khẳng định nguồn nước sông Đà vẫn đảm bảo nên không thể cắt nước.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco)
Ông Tốn cho biết, ngày 9/10, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có mưa nên khiến một lượng dầu ở trên con đường mòn (cách nhà máy khoảng 3km) tràn qua đường vào ao cá nhà dân rồi từ đó theo dòng nước tràn xuống suối đổ vào hồ chính của nhà máy.
“Thời điểm phát hiện dầu thải tràn lúc 9h ngày 9/10, lúc này, công ty đã huy động toàn bộ cán bộ nhân viên và thuê nhân công ở ngoài dùng phao chuyên dụng quây để dầu không lan rộng ra rồi tiến hành vớt để đảm bảo cô đặc dầu. Song song với việc đó, phía công ty dừng sản xuất để tập trung vớt dầu. Đến 12h cùng ngày thì cơ bản thu gom được hết chất thải”, ông Tốn nói.
Theo ông Tốn, đến ngày 10/10, khi nghe phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi “lạ” công ty đã cho phòng thí nghiệm kiểm tra nguồn nước thì thấy nước vẫn đảm bảo, hàm lượng clo vẫn đảm bảo.
“Nhà tôi cũng dùng nước sạch của sông Đà. Ngày 10/10 xét nghiệm của phòng xét nghiệm của công ty cho thấy chỉ tiêu A xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia và cũng nhận được ý kiến không lý do gì cắt nước. Nếu bảo ô nhiễm chứng cứ đâu trong khi kết quả nội hàm vẫn đảm bảo. Nếu thuê đơn vị độc lập bên ngoài xét nghiệm phải mất thời gian 10-20 ngày. Dừng cấp nước sông Đà sẽ ảnh hưởng đến người dân rất nhiều. Họ mất nước thì không biết sẽ như thế nào. Có người phản biện với tôi như thế. Đó là lý do chúng tôi chậm báo cáo thành phố vì nếu báo cáo thì không biết báo cáo gì trong khi chất lượng nước công ty vẫn đảm bảo”, ông Tốn nêu lý do chậm báo cáo TP. Hà Nội.
Ông Tốn cho hay, nếu chất lượng nước có vấn đề thì đơn vị sẽ báo cáo ngay. Kể cả ngày 11/10 đoàn liên ngành lên nhà máy kiểm tra thì nhà máy vẫn đang hoạt động bình thường. Báo chí cũng phản ánh về việc gọi nhiều lần nhưng phía lãnh đạo công ty không nghe máy.
Ông Tốn nói: “Do quá nhiều thanh tra kiểm tra nên không dám nghe điện thoại, phải tiếp nhiều đoàn nên mong báo chí thông cảm. Qua đây chúng tôi xin rút kinh nghiệm về việc phản ánh của khách hàng công ty không giải thích được kịp thời, công ty có lỗi. Chúng tôi nhận lỗi vì khách hàng cần nhưng mình không đến kịp thời”, ông Tốn nói thêm.
Tại buổi giao ban báo chí, phóng viên tiếp tục đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nguồn nước, tuy nhiên Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà từ chối không nói gì thêm.
Trước đó, ngày 11/10, nhiều hộ dân sinh sống tại ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và H.Hoài Đức… (Hà Nội) không dám dùng nước do Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà sản xuất vì có mùi hóa chất nồng nặc. Nhiều nhà phải mua nước bình về dùng, dẫn tới cuộc sống sinh hoạt đảo lộn.
Sau đó, Ban quản lý nhiều khu chung cư đã có văn bản thông báo về chất lượng nước tới cư dân. Một số ban quản lý nhà chung cư đã đưa mẫu đi xét nghiệm. Trong khi đó, các đơn vị mua nước của Viwasupco bán cho người dân đã gửi nhiều văn bản cho Viwasupco nhưng không được phản hồi phù hợp.
Hà Nội đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước cung cấp cho người dân Thủ đô có mùi khét nồng nặc, váng dầu…