Dân Việt

Người đẹp khiến Càn Long mê đắm bị ép phải thắt cổ chết thế nào?

Vương Nam 20/10/2019 00:25 GMT+7
Nổi tiếng là một trong những vị hoàng đế đào hoa bậc nhất lịch sử Trung Quốc, nhưng Càn Long cũng từng phải nếm “trái đắng” trong tình trường. Người làm Càn Long yêu say đắm nhất và cũng khiến ông đau đớn nhất, không ai khác chính là Hàm Hương - nhân vật được tái hiện trong bộ phim Hoàn Châu cách cách.

img

Hàm Hương là nhân vật có thân thế rất bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Thân thế của Hàm Hương đến nay vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Mặc dù là một nhân vật rất nổi tiếng và từng xuất hiện trong lịch sử, nhưng trong Thanh Sử Cảo (bản chính sử của nhà Thanh) - mục Hậu phi truyện, lại không hề đề cập đến người con gái quốc sắc thiên hương này.

Nguyên nhân của vấn đề này đơn giản là, trên thực tế, Hàm Hương chưa từng được sắc phong, trở thành một phi tần chính thức của Càn Long. Vì vậy, tên của bà không được đưa vào chính sử triều Thanh.

Theo “Trung Quốc hoàng đế toàn truyện”, mùa xuân năm 1760, tại Tân Cương, đã xảy ra cuộc phản loạn lớn của người Hồi ở Ô Thập. Càn Long liền ra lệnh trấn áp, cuộc đàn áp khốc liệt đã khiến vô số người Hồi thiệt mạng.

Hàm Hương là thiếp của một thủ lĩnh người Hồi làm phản, bị bắt và dâng lên cho Càn Long. Giữa năm 1760, Càn Long tuần du Giang Nam, đem Hàm Hương đi theo. Khi bị Càn Long ra sức chiếm đoạt, Hàm Hương đã rút dao găm giấu trong tay áo đâm Càn Long, nhưng không thành.

img

Hàm Hương có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, làm cho Càn Long vô cùng say đắm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Sự việc bị lộ, Sùng Khánh Hoàng thái hậu (mẹ của Càn Long) biết được, lập tức truyền giết Hương phi, nhưng Càn Long ra sức bảo vệ. Hoàng thái hậu vì vậy vô cùng tức giận.

Sùng Khánh thái hậu (chứ không phải Phú Sát hoàng hậu như một số thông tin thể hiện), đã dùng kéo cắt tóc của mình và ném xuống nước, đây bị coi là hành động đại kỵ của người Mãn Châu, tỏ ý quyết giết cho được Hàm Hương.

Mùa đông năm 1760, Càn Long đến Thiên đàn cử hành đại lễ tế cáo trời đất ở Viên Khâu, thái hậu sai người đưa Hương phi vào cung Từ Ninh, ra lệnh khóa hết cửa lại.

Thái hậu hỏi Hương phi: “Ngươi trước sau không chịu khuất phục, vậy rút cục là muốn điều gì?”. Hương phi đáp: “Chỉ muốn chết mà thôi”.

Thái hậu lại nói: “Vậy hôm nay sẽ cho ngươi toại nguyện, thế nào?”. Hương phi lập tức quỳ xuống dập đầu nói: “Thái hậu cho tôi được trọn ý nguyện, ơn đức lớn như trời đất”, nói xong khóc như mưa. Thái hậu ban cho dải lụa trắng và sai đưa sang gian phòng bên cạnh, Hương phi treo cổ tự vẫn. 

img

Vì không chịu phục tùng, Hàm Hương đã bị Sùng Khánh Hoàng thái hậu giết hại (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trong khi đó, theo tác phẩm “Thanh cung mười ba triều”, năm 1760, thủ lĩnh của người Hồi ở Hồi Bộ (Tân Cương ngày nay) là Hòa Trác Mộc làm phản. Càn Long bèn sai đại tướng quân Triệu Huệ và Phúc Khang An đi đánh.

Trước đó, Càn Long đã nghe tiếng nàng hầu của Hòa Trác Mộc là một đại mỹ nhân, nên cố tình dặn dò Triệu Huệ và Phúc Khang An phải bắt về cho được.

Triệu Huệ và Phúc Khang An đánh tan hơn 2 vạn quân Hồi, giải phóng Hồi Bộ. Càn Long sau đó đổi tên vùng này thành Tân Cương (có nghĩa là cương vực mới của nhà Thanh).

Hàm Hương bị Triệu Huệ bắt được và đưa về Bắc Kinh dâng lên Càn Long. Sắc đẹp của Hàm Hương đã khiến cho Càn Long mê mẩn. Trên người nàng lại đặc biệt có hương thơm vô cùng quyến rũ.

Theo lời những cung nữ hầu hạ, Hàm Hương hằng ngày đều tắm bằng sữa dê, sữa bò cho da dẻ trắng trẻo, mịn màng. Sau khi tắm xong, Hàm Hương xức người bằng nhiều loại tinh dầu thơm kì lạ, rồi dùng trà thơm súc miệng. Càn Long nhân đó gọi nàng là Hương phi.

Hàm Hương từ khi tiến cung thì luôn tỏ ra u sầu, buồn bã, nhất định không chịu phục tùng Càn Long. Càn Long cho rằng nàng sinh trưởng nơi biên ải, không hiểu lễ nghĩa triều đình, liền đưa sang Tây Uyển nghỉ ngơi cho nguôi ngoai.

img

Hàm Hương không chỉ xinh đẹp, trên người lại luôn có hương thơm kỳ bí (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Càn Long truyền lệnh chăm sóc Hương phi thật chu đáo. Ông cho những cung nữ người Hồi đến hầu hạ Hương phi, khéo léo dùng lời khuyên bảo.

Tất cả nơi ở của Hương phi đều được xây dựng đúng theo phong cách truyền thống của người Hồi, món ăn kiểu Hồi, trang phục kiểu Hồi, thậm chí, Càn Long còn cho xây cả một lễ đường Hồi giáo ngay trong nội cung... Nhưng Hương phi vẫn nhất định cự tuyệt.

Việc Càn Long ngày càng mê muội Hàm Hương khiến cho Phú Sát hoàng hậu và Sùng Khánh hoàng thái hậu tỏ ra vô cùng không hài lòng. Nhân lúc Càn Long phải đi làm lễ tế ở Viên Khâu, Sùng Khánh Hoàng thái hậu triệu Hàm Hương đến gặp và ép nàng phải thắt cổ chết.

Càn Long về đến nơi thì Hương phi đã tắt thở, nhưng gương mặt nàng vẫn xinh đẹp, da thịt vẫn thơm như lúc còn sống. Càn Long đau đớn vô cùng, cho làm đám tang Hương phi theo nghi lễ phi tần.

Theo những câu chuyện của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Hàm Hương có tên thật là Y Mạt Nhĩ Hãn. Nàng có chồng là một thủ lĩnh người Duy Ngô Nhĩ chống lại triều đình nhà Thanh, sau cùng bị bắt và mang đến Bắc Kinh.

Mê mẩn bởi vẻ đẹp tuyệt trần của Y Mạt Nhĩ Hãn, Càn Long Đế lập nàng làm phi. Tuy nhiên, Y Mạt Nhĩ Hãn ra sức chống cự và cuối cùng cũng bị Sùng Khánh Hoàng thái hậu ép tự tử.

img

Hàm Hương và Dung phi là hai nhân vật hoàn toàn khác biệt (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Một số thông tin hiện nay có sự nhầm lẫn, cho rằng Hàm Hương chính là Dung phi được đề cập trong Thanh Sử Cảo. Tuy nhiên, hai người này là hoàn toàn khác biệt.

Dung phi, tên thật là Mại Mộc Nhiệt Ngãi Tư Mộc, sinh năm tại 1734 tại Tân Cương. Bà là con gái của tộc trưởng người Hồi là A Lý Hòa Trác. Trong một lần cùng anh trai là Đồ Nhĩ Đô đến Bắc Kinh, Dung phi được Càn Long đón vào cung và được lập làm quý phi vào năm Càn Long thứ 33 (năm 1768).

Tương truyền, khi Dung Phi tiến cung, cây vải phương nam trong vường Viên Minh liền trổ ra hơn 200 trái. Vì thế, Dung phi được cho là người có phúc rất lớn và được Càn Long sủng ái.

Theo Thanh sử, năm Càn Long thứ 36 (năm 1771), Dung phi cùng Càn Long Đông tuần, làm lễ tế bái ở Khổng miếu. Sau đó, cùng Càn Long đi du ngoạn ở Thái Sơn. Năm thứ 40 Càn Long (1778), Dung phi lại được Càn Long Hoàng cho tuần du cùng.

Năm thứ 53 Càn Long (năm 1788), Càn Long ban thưởng cho Dung phi 10 trái quýt. Đây là lần cuối cùng Thanh sử có ghi chép về việc ban thưởng cho bà. Cùng năm 1788, Dung phi qua đời, hưởng thọ 55 tuổi

Có thể thấy, Thanh Sử Cảo có rất nhiều chi tiết miêu tả về Dung phi. Như vậy, Dung phi là một nhân vật có thân phận rất rõ ràng, không thể nhầm lẫn với Hàm Hương.

____________

Nổi tiếng là đào hoa, phong lưu, Càn Long đã từng vui thú với không biết bao nhiêu mỹ nhân nổi tiếng, nhưng ham mê sắc đẹp đến nỗi đi ngược luân thường đạo lý, đáng xấu hổ như Càn Long thì quả thực xưa nay hiếm. Bài kỳ sau sẽ làm rõ những mối quan hệ "mờ ám" của Càn Long. 

Chỉ là hoàng tử thứ tư của Ung Chính, dựa vào đâu Càn Long được chọn làm hoàng đế Trung Hoa?

Càn Long có lẽ là vị hoàng đế có thân thế phức tạp và nhiều bí ẩn nhất lịch sử Trung Quốc. Cũng vì nguyên nhân này...