Dân Việt

Panorama Mã Pí Lèng đã lỗi thì sửa thế nào cũng lỗi

Hà Thúy Phương 17/10/2019 07:25 GMT+7
Nói về giải pháp khắc phục, chỉnh trang Panorama thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch Mã Pí Lèng, kiến trúc sư Phạm Văn Tuấn cho rằng đã là điểm lỗi thì sửa như thế nào cũng lỗi.

img

Toà nhà Panorama xây dựng trái phép trên hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng.

Toà nhà Panorama xây dựng trái phép trên hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng đã được UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTDL thống nhất giải pháp tháo dỡ một phần, cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Anh thấy quyết định này như thế nào?

- Có chỉnh sửa thì nó cũng như là một vết sẹo, như tự nhiên đặt thêm cục gì đó lên một cơ thể vốn nó không có thì không thể đẹp được. Tất nhiên, chỉnh sửa để phù hợp với cảnh quan là có thể, nhưng theo tôi hiểu đây là một điểm lỗi thì có sửa như thế nào cũng vẫn là lỗi.

Trước đó, Bộ VHTTDL đã đưa ra kết luận: “Xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước”. Và Panorama sẽ được chỉnh sửa chứ không dỡ bỏ?

- Xét về mặt kiến trúc, Panorama phá vỡ cảnh quan chung ai cũng nhìn thấy. Xét về thẩm mỹ của điểm dừng chân này thì tôi là người đi thường xuyên lên Mã Pí Lèng, cũng như mọi người đều chủ yếu muốn ngắm sự hùng vĩ của thiên nhiên, trong khi Panorama phục vụ lợi ích nhỏ, lại đang án ngữ góc nhìn trên đỉnh núi. Cảnh quan chung ở đây là đỉnh núi và các mô đá phủ xanh, tự nhiên đặt một cái nhà mái tầng là phá toàn bộ mọi mặt về mặt kiến trúc. Với góc độ nhìn nhận của những người làm nghề, tôi thấy Panorama phá vỡ hoàn toàn cảnh quan của Mã Pí Lèng.

img

Kiến trúc sư Phạm Văn Tuấn.

Công trình hiện này đã được người chủ sơn xanh cho phù hợp với cảnh quan chung thay cho màu trước kia là xám và cam. Anh thấy những thay đổi này có phần nào tích cực không?

- Giống như con chim chích chòe chỉ tô điểm, vẽ từ màu nọ sang màu kia thì bản chất nó vẫn là con chim chích chòe. Đã là chim chích chòe thì mãi mãi là chim chích chòe. Nếu đã là phá vỡ cảnh quan thì mãi mãi có làm gì lên nó thì nó vẫn giữ nguyên bản chất đó. Có thể thay đổi về mặt thẩm mỹ một chút, nhưng về thời gian nó lại biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, không thay đổi bản chất được.

img

Panorama được sơn lại màu xanh 

Vậy theo anh, công trình Panorama không nên tồn tại?

- Theo góc độ của tôi là không nên tồn tại. Nếu Panorama để sử dụng vào mục đích kinh doanh thì chắc chắn nó lại sẽ thay đổi. Còn nếu Panorama sử dụng vào mục đích nhà nước hay của tỉnh thu về để mang lại giá trị khác, làm điểm nhấn thì lại ở góc độ khác. Còn nếu ở góc độ kinh doanh thì nó sẽ không thay đổi đâu.

Từ ngữ trong tiếng Việt rất nhạy cảm, người Việt rất hay có thể nói nước đôi, từ này đúng ở thời điểm này nhưng không đúng vào thời điểm khác, đúng ở vị trí này nhưng sai ở vị trí khác. Nếu đúng là tỉnh thu hồi thì phải rõ ràng, giữ lại với mục đích gì, giữ lại làm trụ sở của tỉnh, mang lại lợi ích chung, tu sửa để cho mọi người tham quan chứ không mang tính ứng dụng, kinh doanh. Đã là kinh doanh thì ai cũng phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Hôm nay sơn xanh mai lại sơn thành vàng, rồi dần dần lại ngà ngà chuyển đổi thành gì không biết, lúc đó dư luận đi xuống là mọi thứ lại đi xuống hết nếu không giải quyết triệt để.

img

Vậy anh nghĩ Mã Pí Lèng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nên được quy hoạch,bảo tồn theo hướng thế nào?

- Quy hoạch phải mang tính tổng thể cần có nghiên cứu rõ ràng, còn tôi chỉ nói ở khía cạnh một kiến trúc sư đi trải nghiệm nhiều và đi khám phá các vùng đất thì tôi thiên về thiên nhiên. Trong mọi thiết kế thì cố gắng gần với thiên nhiên nhất, vì thiên nhiên mới đem lại giá trị thực sự và bền vững. Lợi ích của Mã Pí Lèng mang lại nhiều nhất là ở không gian, còn mục đích sử dụng rất ít. Nếu có quy hoạch cụ thể rõ ràng, được thông suốt từ tỉnh xuống, được hiệp hội kiến trúc - những người am hiểu thực sự về vùng đất đó nghiên cứu đưa ra loại hình kiến trúc nào là phụ hợp với vùng đất này. Giống như tại sao nhà ở Tây Nguyên khác, Bắc Bộ khác, đồng bằng khác, trên núi khác, sao người ta phải dựa trên nền tảng là núi mà làm nhà mái nhọn như nhà rông thì mới hòa hợp được thiên nhiên. Cái đó phải có hiệp hội thực sự, quy hoạch rõ ràng các vị trí để làm sao không phá vỡ được kiến trúc ban đầu, giữ được bản chất và đem lai lợi ích cho vùng đất này.

Xin cảm ơn anh!

Ngày 14/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành công văn nêu ý kiến về công trình 7 tầng sai phép trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Công văn do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký.

Bộ VHTTDL nêu rõ hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở tầm nhìn của du khách.

Công trình chưa có đánh giá tác động môi trường do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.

Về phương hướng giải quyết sai phạm, Bộ VHTTDL thống nhất quan điểm với UBND tỉnh Hà Giang. Theo đó, công trình Mã Pì Lèng Panorama có thể được cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp.

"Điểm dừng chân phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào ở Hà Giang. Trước khi cải tạo phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật", công văn của Bộ VHTTDL nêu.

Theo Bộ VHTTDL, đèo Mã Pì Lèng là danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Công trình Mã Pì Lèng Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh thắng này nhưng lại nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh.

Do đó, đây là khu vực cần được bảo vệ và phát huy giá trị theo đúng quy định của pháp luật và khuyến nghị của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.