Nguồn nước cấp cho nhà máy sông Đà bị nhiễm dầu. (Ảnh: Mạnh Thắng - Tiền Phong)
Trong khi đại diện các cơ quan chức năng của Hà Nội, thậm chí Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung lên tiếng cho rằng: Khi Công ty CP Đầu tư nước sạch Hà Nội (VIWASUPCO) phát hiện hồ chứa nước cấp cho nhà máy bị nhiễm váng dầu nhưng “không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như TP.Hà Nội”, “cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân”.
Tổng Giám đốc Công ty VIWASUPCO bao biện, phân trần về việc vẫn cấp nước cho người dân rằng: "Thực ra lúc bấy giờ, thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng… Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, lúc đó họ phản biện “cắt nước thì phải có lý do”, “bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu”.
Thậm chí vị Tổng Giám đốc công ty VIWASUPCO còn nói, “có người bảo báo cáo TP nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng nước theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo...”.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch.
Trước sự việc trên, trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch phân tích rõ vai trò của cơ quan chức năng trong sự việc này.
Sự vô cảm của VIWASUPCO
Theo luật sư (LS) Trần Tuấn Anh, nước sạch là nhu yếu phẩm không thể thiếu để đảm bảo đời sống dân sinh cho nên cơ quan chức năng của nhà nước có vai trò đặc biệt trong việc quản lý, đồng ý cho ai được điều tiết nước, ai được cấp nước, cấp nước như thế nào, đầu tư ra sao, phân chia thị trường như thế nào. “Bàn tay nhà nước” thọc rất sâu vào câu chuyện việc quản lý, phân phối nước sạch ở các tỉnh, thành phố, cũng như có quy hoạch, kế hoạch cho việc phát triển.
“Trong vụ việc này chúng ta không chỉ nhìn nhận trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước là Công ty nước sạch sông Đà mà trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể ở đây chính là UBND thành phố Hà Nội”, LS Trần Tuấn Anh nói.
Vết dầu chảy xuống suối sau đó chảy ra hồ chứa và Nhà máy nước sạch sông Đà không kiểm soát tốt, dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy.
Quay trở lại sự việc nguồn nước bị ô nhiễm, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhìn nhận, khi nước bị nhiễm bẩn, đáng ra người cung cấp nước phải là người đầu tiên xử lý sự cố, phải báo cáo cơ quan chính quyền,… thế nhưng chúng ta không nhận thấy động thái nào của Công ty nước sạch sông Đà, chỉ đến lúc nước về đến từng chưng cư, từng hộ dân… sử dụng mới phát hiện và có ý kiến.
“Nhưng lúc này sông Đà vẫn im lặng. Nhiều ngày sau mới đưa ra xét nghiệm nước của chính đơn vị kiểm nghiệm của công ty cho rằng nước không có vấn đề gì, dân cứ sử dụng… Đây là sự lấp liếm của đơn vị kinh doanh, thuộc lĩnh vực nhu yếu phẩm thiết yếu”, LS Trần Tuấn Anh phân tích.
Chỉ ra việc này một phần nguyên nhân sinh ra việc này là do cơ chế kinh doanh một số mặt hàng độc quyền của chúng ta hiện nay như nước, điện, LS Trần Tuấn Anh đề cập vấn đề: “Bây giờ Nhà nước có dám không cho sông Đà cung cấp nước nữa mà để để cho đơn vị khác cung cấp? Liệu có quy hoạch khác để cho đơn vị khác thay thế sông Đà ở những vị trí hiện nay? Đây là hệ quả của việc kinh doanh độc quyền”.
Nhiều người dân phản ánh nước sạch dùng cho sinh hoạt của gia đình do Viwasupco có mùi lạ.
Không những vậy, vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Công ty nước sạch sông Đà có sự gian dối trong yếu tố kinh doanh, đồng thời vô cảm trước tính mạng, sức khỏe của người dân - khách hàng - những người hàng ngày phải đóng tiền nuôi, làm giàu toàn thể lãnh đạo, công nhân viên Công ty nước sạch sông Đà. “Điểm này thấy rõ trong báo cáo tài chính của Công ty nước sạch sông Đà. Rõ ràng công ty đang kinh doanh trên sức khỏe, trên tính mạng của người dân”, LS Trần Tuấn Anh dẫn chứng.
Chính quyền lại lúng túng
Xâu chuỗi các sự việc, LS Trần Tuấn Anh đánh giá, trong sự việc này, UBND TP.Hà Nội đã xử lý sự cố môi trường lúng túng không khác gì vụ việc xảy ra tại nhà máy Rạng Đông vừa qua.
“Chúng ta phải xem các sự việc liên quan đến không khí, đất, nước… là vấn đề môi trường, phải xử lý sự cố môi trường,... Nhưng dường như TP.Hà Nội không có bất cứ kinh nghiệm nào, ứng phó nào liên quan đến sự cố môi trường, dẫn đến việc người dân đã gần 10 ngày mới ra khuyến cáo bố trí xe cung cấp nước sạch cho người dân.
Đáng lẽ ra khi người dân phát hiện sự cố, TP.Hà Nội đã phải bố trí nguồn nước thay thế từ các nguồn nước của các nhà máy sản xuất nước khác đấu nối vào hệ thống hoặc phải có đường ống nước phụ để khắc phục ngay lập tức cho người dân. Gần như TP.Hà Nội cũng như hệ thống cấp nước sạch của chúng ta không có ý tưởng quy hoạch thêm đường ống để xử lý sự cố”, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch đưa ý kiến.
Người dân Hà Nội những ngày qua xếp hàng dài mang xô, chậu, chai, can nhựa nhận nước miễn phí từ các xe téc khi nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn.
LS Trần Tuấn Anh lưu ý, đây chỉ là dầu thải, nếu nó là thuốc trừ sâu hay hóa chất độc hại khác thì việc khắc phục rất lâu. Nếu chúng ta không quy hoạch đường ống phụ, đường ống xử lý trong trường hợp khẩn cấp thì có sự cố tương tự… người dân lại bơ vơ.
“Ai lại sống giữa thủ đô người dân lại rồng rắn xếp hàng xách từng xô, chậu, can để mua nước sinh hoạt. Giao hoàn toàn việc bảo vệ sức khỏe người dân liên quan đến nhu yếu phẩm cho một công ty kinh doanh độc quyền… là chính quyền TP.Hà Nội đã không làm tròn trách nhiệm của mình”, LS Trần Tuấn Anh nhìn nhận và cho rằng, tại sao chỉ có mỗi việc đổ một thùng dầu trên vệ đường mà nó có thể tràn vào kênh mương rồi đi thẳng vào nguồn nước lấy để cung cấp nước cho người dân.
Việc này chứng tỏ nhà máy sông Đà không có các biện pháp cách ly các nguồn thải ra khỏi hệ thống lấy nước của mình. Đây là việc làm rất vô cảm trong việc kinh doanh nước.
Nếu tất cả các nguồn thải cứ thế đổ vào khu vực cấp nước cho người dân như vậy TP.Hà Nội hoặc Chính phủ cần thành lập một đoàn thanh tra xem ngoài nguồn thải các khe suối, mương thì sông Đà còn lấy nguồn thải nào nữa không; xem xét biện pháp cách ly nguồn thải của nhà máy sông Đà… Nay nó ở suối này, mai nó ở suối khác thì sẽ xử lý như thế nào?...
Người dân Hà Nội xếp hàng dài "như thời bao cấp" nhận nước sạch từ các xe téc.
“Chúng ta thấy rằng, nhà máy Sông Đà kinh doanh nước nhưng không có biện pháp cách ly nguồn thải tốt, rõ ràng trong các phương án kinh doanh đã phải có cái này, không được phép để nguồn thải chảy tràn vào khu vực nước dùng để kinh doanh… Việc này rõ ràng có lợi ích trong việc kinh doanh, nó giống như bãi rác tràn thải ra môi trường gây ô nhiễm…”, LS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Người dân có thể khởi kiện
Theo LS Trần Tuấn Anh, về mặt pháp lý, xét về hợp đồng của người dân với nhà máy Sông Đà đây là hợp đông dân sự, hợp đồng thương mại nên không thể hình sự hóa được việc này. Trong trường hợp người dân cảm thấy bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện để đòi Công ty nước sạch Sông Đà bồi thường.
“Với tư cách là luật sư, đối với những vụ việc như thế này, để người dân tập hợp được chứng cứ cũng như chứng minh được những thiệt hại cụ thể để yêu cầu bồi thường rất quá phức tạp nên việc khởi kiện chỉ về mặt lý thuyết còn về thực tế thì khó.
Trong trường hợp này, nếu Hà Nội xử lý sự cố môi trường tốt thì ngay khi có thông tin về việc này thì ngay lập tức Hà Nội phải bố trí nguồn nước thay thế, sau đó tính toán với Công ty nước sạch sông Đà, yêu cầu công ty này phải bồi hoàn lại cho ngân sách TP thì nó đúng hơn với vai trò quản lý của mình cũngg như đảm bảo lợi ích của người dân và trách nhiệm của công ty nước sạch sông Đà trong việc gây ra thiệt hại cho người dân. Như vậy là phù hợp nhất”, LS Trần Tuấn Anh đưa quan điểm.
|