Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 của Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,98%, được xem là mức cao trong vòng một thập niên gần đây. Chỉ số tăng trưởng của GDP sẽ “đặc biệt” hơn nếu so với các chỉ số kinh tế khác trong bức tranh tổng thể về kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bởi vì từ trước tới nay, phần lớn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng.
Những tín hiệu bất ngờ
Những năm trước đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phần lớn lệ thuộc vào tăng trưởng tín dụng, hay nói cách khác là tăng trưởng kinh tế dựa trên tăng cung tiền khiến cho giá cả tăng, hơn là dựa vào năng suất và các nguồn lực khác của nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đều được giải quyết thông qua hệ thống các ngân hàng (NH). Vì vậy, có ý kiến cho rằng “nền kinh tế nếu có tăng trưởng tín dụng mới có tăng trưởng GDP và ngược lại”.
Nhưng câu chuyện năm nay lại khác. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến quý III là 8,64%, con số thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây, trong khi tăng trưởng kinh tế lại cao, ở mức 6,98%.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa Tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng: “Nhìn vào bức tranh tổng thể về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 9 tháng qua, nền kinh tế đã bớt lệ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là khu vực công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến và các ngành dịch vụ thị trường… Đặc biệt, càng bất ngờ hơn khi tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm cũng không còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư công khi chỉ số đầu tư công đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (vốn đầu tư từ nguồn ngân sách 9 tháng chỉ tăng 4,8%). Trước đây, đầu tư công được xem là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”.
Những chỉ số trong bức tranh tổng thể về kinh tế vĩ mô của Việt Nam 9 tháng đầu năm đang tạo ra những hiệu ứng tích cực. “Câu hỏi đặt ra là, phải chăng tăng trưởng kinh tế đang thực sự tạo ra một điểm gãy cấu trúc, chuyển từ dựa trên tăng trưởng cung tiền sang dựa trên tăng năng suất và sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn”, ông Bảo phân tích.
Kinh tế Việt Nam năm 2019 tăng trưởng ổn định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra một số vấn đề trong tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2019. Theo ông Bảo, tăng trưởng tín dụng thấp vào hàng kỷ lục (8,64%), trong khi đó từ đầu năm đến nay hầu như tất cả các NH đều chạy đua huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn. Vậy nguồn vốn huy động đang chảy đi đâu?
“Đến thời điểm này, lãi suất thị trường vẫn không giảm, thậm chí lãi suất trung và dài hạn vẫn có xu hướng tăng. Việc cấp bách hiện nay là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có chính sách nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường. Mặt bằng lãi suất của các đồng tiền trên thế giới đang giảm mạnh do NH trung ương của các quốc gia này đang nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế của họ đang suy giảm. Điều này làm cho sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI lên các doanh nghiệp nội địa ngày càng nặng nề vì các doanh nghiệp ngoại có khả năng vay được nguồn vốn giá rẻ từ thị trường quốc tế, còn các doanh nghiệp nội lại không…”, ông Bảo phân tích.
Có nên hy sinh lợi thế của ổn định vĩ mô?
Bên cạnh những tín hiệu tích cực về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, “không nên hy sinh lợi thế của ổn định vĩ mô nói chung và tỷ giá nói riêng vì nỗi lo bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ”.
Giới chuyên gia cho rằng, tính đến hiện tại, tỷ giá USD/VNĐ tăng chưa đến 2%, là một thành công của NHNN trong giữ ổn định tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá của nhiều đồng tiền liên tục biến động mạnh. Hiện NHNN đang dự trữ ngoại hối đã đạt mức cao: 71 tỷ USD nên có nhiều lợi thế của việc giữ ổn định tỷ giá từ nay cho đến hết năm 2019. Việc dự trữ ngoại hối sẽ đảm bảo NHNN sử dụng linh hoạt và hiệu quả các công cụ can thiệp trực tiếp và gián tiếp nhằm điều chỉnh biến động tỷ giá theo các mục tiêu chính sách đã đề ra.
Vì vậy, những bước đi chính sách về điều hành tỷ giá hối đoái lúc này là hết sức phù hợp để chuẩn bị trước cho các kịch bản thương chiến leo thang và các diễn biến phức tạp khác của tình hình thế giới lên nền kinh tế Việt Nam mà tỷ giá sẽ là một kênh truyền dẫn các cú sốc một cách trực tiếp.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu bình luận: “Tôi không lo Việt Nam bị liệt vào các quốc gia thao túng tiền tệ. Thực tế, Việt Nam đóng một vai trò rất nhỏ trong ngoại thương với Hoa Kỳ khi cường quốc này đưa Việt Nam vào diện theo dõi về thao túng tiền tệ. Thực sự xuất siêu của Việt Nam so với Trung Quốc và các nước khác không đáng kể. Để hỗ trợ xuất khẩu, tôi nghĩ NHNN nên xem xét để điều chỉnh tỷ giá một cách phù hợp. Từ đầu năm đến nay, hầu như tỷ giá không biến động là điều hoàn toàn không có lợi cho xuất khẩu”.
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)