Vì giá lên, nhiều bà nội trợ tuyên bố “giảm thịt” trong giỏ xách đi chợ. Còn các siêu thị không dám lấy hàng nhiều dù lượng thịt cung ứng cho thị trường chỉ còn 50%! Nhiều trang trại chỉ chịu xuất những con heo “đến hồi phải bán”, còn lại găm hàng chờ giá lên cao hơn vào dịp cuối năm…
Giá heo hơi tăng mạnh chưa từng thấy
Trong hai ngày cuối tuần qua (12-13/10), lượng người mua thịt heo ở nhiều siêu thị tại TP.HCM giảm hẳn. Lý do: thịt heo tăng giá. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chưa bao giờ giá heo hơi lại biến động mạnh như hiện nay. Giá heo hơi biến động từng ngày, từng giờ, có ngày điều chỉnh giá 2-3 lần.
Giá heo hơi hiện nay đang dao động quanh ngưỡng 60.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến mức kỷ lục 63.000 đồng/kg. Từ hồi giữa tuần, giá thịt heo tại thị trường TP.HCM tăng lên từng ngày. Tùy theo loại mà mức giá tăng từ 2 – 3.000 đồng/kg.
Bà Lan, chủ một sạp thịt nhỏ tại ngôi chợ “chồm hổm” trên đường Lê Văn Thọ (cạnh công viên Làng Hoa, Gò Vấp) than thở: “Ngày nào cũng lên, tính từ giữa tuần trước đến nay đã tăng tổng cộng là chừng 12.000 – 14.000 đồng/kg. Hiện tui bán thịt ba rọi 130.000 đồng/kg, đùi 100.000 đồng/kg, còn sườn non 160.000 đồng/kg, thịt dăm nạc xay 100.000 đ/kg”.
Theo lời bà Lan, dù nhiều khách hàng quen trước đây không hề chú ý đến giá tăng nhưng mấy ngày qua, khi cầm miếng thịt “nhẹ hẫng”, có nhiều người nhận ra “miếng thịt tăng giá đã làm bữa cơm trong gia đình lạt lẽo”.
Khách hàng nội trợ mua thịt heo tại Co.op Food trên đường Lê Văn Thọ, Gò Vấp, TP.HCM.
Ở quầy thịt heo G của Vinmart tại Vincom Mega Mall Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), hiện sườn non có giá 201.000 đồng/kg, sườn già - 115.000 đồng/kg, chân giò trước - 95.000 đồng/kg, ba rọi - 169.000 đồng/kg. Còn quầy VietGAP giá có rẻ hơn, thịt xay - 120.000 đồng/kg, xương -105.000 đồng/kg, ba rọi - 138.000 đồng/kg, nạc dăm - 145.000 đồng/kg… So với giá chợ, bình quân giá thịt heo tại Vinmart đắt hơn 25.000 đồng/kg.
So với giá của các sạp chợ nhỏ lẻ, chợ truyền thống, giá thịt heo tại Bách hóa Xanh có mức cao hơn, như thịt nạc heo xay có giá 119.000 đồng/kg, còn thịt ba rọi, thịt đùi cũng ngang giá chợ. Điểm cộng của kênh bán lẻ Bách hóa Xanh là những phần thịt không bán hết của ngày hôm trước sẽ được đưa qua thùng lạnh khác, rồi bán với mức giá giảm 25% so với ngày hôm trước.
Sức mua giảm
Quầy thịt sạch của Vinmart bán đủ loại thịt, từ thịt bò Úc, thịt bò nội cùng các loại thịt heo, gà đủ chuẩn, như: thịt sạch G (Greenfeed Việt Nam), thịt sạch Meat Deli, thịt VietAP…
Vào ngày thứ 7, siêu thị khá đông khách, song hàng thịt lại thưa vắng. Một số khách đến thăm, xem giá rồi lại… đi. Bà Nhi, một khách hàng ở Bình Thạnh cho biết, mấy tháng qua, nhà ít ăn thịt heo, vì lo ngại dịch tả lợn châu Phi. “Bây giờ thèm nên mua ít thịt nhưng hàng bán ê hề mà lượng khách mua ít quá”, bà Nhi phân vân.
Khi được hỏi về độ bảo đảm tươi ngon của thịt, một nhân viên bán hàng cho biết: Thịt chỉ để được trong ngày, sau đó siêu thị sẽ chế biến hoặc trả lại cho đối tác. Nghe nhân viên nói vậy, một bà nội trợ đứng tuổi đang chọn mua thịt Meat Deli góp chuyện: “Đã ăn loại thịt này sẽ không ăn những loại thịt khác”.
Ở siêu thị Big C Cantavil (Q.2), quầy thịt heo cũng không đông khách dù có khuyến mãi trong 3 ngày: xương còn 49.900/kg đồng, cốt-lết còn 87.000 đồng/kg, thịt đùi 90.900 đồng/kg...
Tại Big C, thịt heo tươi để trong 3 ngày, sau đó chế biến hoặc tiêu hủy. Theo một nhân viên tại quầy bán thịt bò ngoại và thịt heo, mấy ngày gần đây thịt heo tăng giá nên lượng khách mua thịt heo có giảm. “Giờ nhiều người chuyển sang mua thịt gà, bò, vừa đổi món mà giá không tăng cao quá mức”, nhân viên quầy thịt bò nói.
Các siêu thị không dám lấy hàng nhiều dù lượng thịt cung ứng cho thị trường chỉ còn 50%. Ảnh: IT
Chiều chủ nhật tuần rồi, một nhân viên bán quầy hàng thịt heo của một cửa hàng CoopFood ở Gò Vấp cho biết: “Từ khi thịt heo lên giá, cửa hàng nhập hàng ít hơn vì lượng khách hàng mua thịt heo mỗi ngày đã giảm thấy rõ.
Quầy thịt heo của một cửa hàng Bách hóa Xanh trên đường số 8 (P.11, Gò Vấp) cũng trong tình cảnh “không có bóng người dù đó là một buổi chiều thứ bảy”! Một nhân viên cho biết: “Mấy ngày rồi ít khách mua thịt heo lắm vì giá tăng từng ngày. Thịt heo là loại thực phẩm cần thiết mà tăng kiểu này sẽ rất khó bán”.
Dù có sức mua thấp nhưng SatraFood hiện có nhiều ưu thế hơn so với những kênh bán lẻ thực phẩm khác. Trước hết, SatraFood có nguồn cung ứng thịt heo Vissan nằm trong hệ thống. Được biết, dù đối mặt với nguồn dịch tả châu Phi nhưng Vissan vẫn còn nguồn cung đã ký kết trước từ các trang trại chăn nuôi lớn khác trên thị trường.
Bà Trúc Quân, Giám đốc thị trường của Satra nói: “Vào thời điểm này, giá bán lẻ của Satra vẫn còn dễ chịu hơn các kênh bán lẻ khác vì có nguồn cung ổn định từ Vissan. Còn trong tương lai, với diễn tiến thị trường như hiện nay chưa thể nói gì thêm”.