Dân Việt

10 năm nông thôn mới Hà Giang: Hội tụ nhiều "của ngon vật lạ"

Trang Thảo 17/10/2019 15:00 GMT+7
Rất nhiều sản phẩm nông sản và món ăn độc đáo của các địa phương, doanh nghiệp Hà Giang đã hội tụ về quảng trường trung tâm tỉnh bên thềm Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng Nông thôn mới của Hà Giang.

Tối n16/10, bên thềm Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Không gian thưởng trà và Triển lãm giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh.

img

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang và các đại biểu thưởng thức Hồng trà, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hà Giang. Trà được hái từ những cây trà mọc ở vùng núi có độ cao trên 1.200m và chế biến theo phương thức thủ công bởi người dân tộc thiểu số trong vùng huyện Hoàng Su Phì.

Nói đến các sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang, chúng ta không thể không nhắc đến mật ong (mật ong bạc hà, mật ong thảo quả, mật ong rừng...) đã nổi tiếng do có chất lượng tốt, nhiều công dụng. Để làm ra những giọt mật ong vàng óng ấy là sự chăm chỉ, cần cù của những người theo nghề nuôi ong trên vùng cao nguyên đá.

img

Mật ong hoa bạc hà là loại mật ong được khai thác từ mật của những cây hoa bạc hà – loại cây dại mọc ở vùng núi cao thuộc các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang. Chính vì là loại cây mọc dại lên sản lượng mật hoa bạc hà thu được hàng năm không nhiều. Thế nhưng bù lại do sống trong điều kiện tự nhiên khắc nhiệt lên mật bạc hà có mùi hương rất riêng, sánh đặc và ngọt mát. Do vậy, mật ong bạc hà có giá bán cao nhất trong các loại mật ong.

img

Khách thăm quan chọn mua hàng

img

Nói tới đặc sản của vùng đất Hà Giang mà không nhắc tới gạo Già Dui thì đó là 1 thiếu sót rất lớn. 

Gạo Già Dui được trồng tại vùng đất Hoàng Su Phì, gạo có hạt ngắn trung bình không thon dài như những loại gạo khác nên đây chính là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của loại gạo Già Dui. Cây lúa trồng để lấy gạo này được bà con nông dân trồng vào cuối tháng 5 và tới trung tuần của tháng 6 âm lịch. Cơm nấu ra từ gạo Già Dui có mùi hương đặc trưng, hạt cơm trắng ngần có độ dẻo và ngọt thanh 

Nhờ phát huy vai trò chủ thể của người dân, tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị; nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao đã được tỉnh quy hoạch từ đó thu nhập bà con dân tộc ngày càng tăng.

img

Được biết, Hà Giang là đại diện cho khu vực miền núi phía Bắc được Trung ương chọn triển khai thí điểm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2017 – 2020, định hướng 2030.

img

Tại Hội nghị, hơn 100 sản phẩm đặc trưng đã được các cá nhân, doanh nghiệp, HTX giới thiệu.

Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ của Hà Giang đều có tiềm năng rất lớn, có dư địa và động lực để phát triển, đa dạng sản phẩm và thương mại hóa, như:  rượu thóc Nàng Đôn, rượu ngô Thanh Vân, chè Shan tuyết, dược liệu, mận Máu, gà xương đen; Hồng không hạt, mật ong, thịt bò khô, lợn đen; thảo dược… Đặc biệt là du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, ruộng bậc thang, các làng nghề truyền thống dân tộc…

Ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Chủ tịch thường trực UBND, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Hà Giang cho biết: “Mục tiêu đến năm 2030, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sản phẩm OCOP. Để hiện thực mục tiêu trên, Hà Giang có định hướng phát triển từng bước. Giai đoạn 2018 – 2020 sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2020 – 2030 sẽ ở rộng ra tất cả sản phẩm truyền thống có tiềm năng sản xuất hàng hóa và du nhập thêm các sản phẩm mới".

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, năm 2018 có 27 chủ thể đăng ký tham gia với 37 sản phẩm, trong đó 8 sản phẩm là ý tưởng, 29 sản phẩm đã có; Qua đánh giá kết quả 29 sản phẩm theo bộ tiêu chí tạm thời, có 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 14 sản phẩm đạt hạng 2 sao.

img

Hồng không hạt của huyện Quản Bạ đã trở thành cây cho thu nhập chính của nhiều hộ dân các xã Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Nhất là khi hồng không hạt của Quản Bạ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì cây hồng đã mang lại giá trị kinh tế cao rất cho người dân 

Là chương trình mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với những ưu điểm, thế mạnh riêng và nghiêm túc trong triển khai thực hiện, Đề án OCOP được đánh giá là hướng đi đúng, góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM, nâng cao giá trị sản xuất và xây dựng thương hiệu nông nghiệp riêng của Hà Giang.

Việc triển khai chương trình OCOP sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuât” trong xây dựng NTM. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn. Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn, từ đó giảm việc di dân ra thành phố.