Đó là chia sẻ của PSG.TS Nguyễn Thế Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) tại buổi toạ đàm trực tuyến "Phát triển sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ nguồn dược liệu Việt", do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều nay (17/10).
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) phát biểu tại Toạ đàm.
Tại buổi toạ đàm, trả lời câu hỏi của bạn đọc về tình hình quản lý, thực thi pháp luật trong lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT) của nước ta hiện nay như thế nào, ông Thịnh cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý Y dược cổ truyền một số công tác liên quan đến khám chữa bệnh. Theo thống kê, cả nước đang có 98% các tỉnh có bệnh viện y học cổ truyền, 3 bệnh viện tuyến Trung ương thực hiện vai trò khám chữa bệnh đầu ngành và cơ bản sử dụng các phương pháp y học cổ truyền như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt...
Tuy nhiên, do phần lớn dược liệu đang sử dụng ở nước ta có nguồn gốc nhập khẩu nên Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến công tác phát triển y học cổ truyền, trong đó đã thể hiện bằng những nghị định, thông tư, quy định, quy hoạch vùng trồng dược liệu cũng như các loại dược liệu ở Việt Nam nhằm có thể tự chủ trong công tác khám chữa bệnh cũng như xuất khẩu, góp phần tạo ra một nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Ông Thịnh khẳng định: "Nếu so với thế giới, lĩnh vực y học cổ truyền của chúng ta có thể nói chỉ đứng sau Trung Quốc. Do đó, việc tăng cường đầu tư, nhất là trồng và phát triển dược liệu có rất nhiều ý nghĩa, vừa tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, vừa góp phần giữ gìn, phát triển các loài dược liệu quý phục vụ công tác khám chữa bệnh".
Về công tác quản lý dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, đang được thể hiện thông qua các văn bản quy phạm pháp luật mà Đảng, Chính phủ rất quan tâm, tăng cường đầu tư nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ các khâu nuôi trồng, chế biến theo quy chuẩn từng bước tham gia hội nhập quốc tế.
Cũng theo ông Thịnh, tháng 3/2019, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội chợ Triển lãm dược liệu Việt Nam kéo dài 10 ngày trưng bày, giới thiệu sản phẩm sản xuất từ dược liệu.
Ngày 20/8/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về việc ban hành danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030.
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng. Ảnh: I.T
Gần đây, một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum đã có đề xuất với Chính phủ triển khai dự án thuê môi trường rừng nhằm phát triển các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, trà hoa vàng. Ngoài việc Chính phủ đặt kì vọng sâm Ngọc Linh sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới cho ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng thì các địa phương cũng đang rất chú trọng quan tâm phát triển các loại dược liệu quý khác.