Cụ thể, trong công văn do Phó Trưởng ban - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ký, gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi cho biết, thời gian gần đây các địa phương cũng như trên phương tiện thông tin đại chúng phản ánh đã và đang xảy ra tình trạng vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản phẩm lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Trong khi đó, tại Việt Nam bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang từng bước được kiểm soát tốt, số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Còn tại các nước xung quanh Việt Nam, bệnh dịch này đang xảy ra trầm trọng và diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn qua biên giới.
Đội tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh) phát hiện một vụ buôn lậu lợn qua biên giới. Ảnh: I.T
Để ngăn chặn bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh khác có thể phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn.
Theo đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cần chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản lợn ra, vào Việt Nam.
Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).
Lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trái phép ra vào Việt Nam.
Trước đó, trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 17/10, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, có nghe thông tin có hiện tượng lợn từ Thái Lan vận chuyển qua Campuchia để vào Việt Nam.
"Đúng là chúng tôi có nghe thông tin này, vì vậy, lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt vì Thái Lan cũng nằm trong vùng dịch, nếu không cẩn thận dịch bệnh sẽ lây lan" - ông Dương nói.