Thạc sĩ Bùi Văn Khương chụp ảnh toàn cảnh hiện trường vụ án từ bờ sông Ka Long bên phía TP.Đông Hưng, Trung Quốc.
Sáng 21/8, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm “kỳ án” cướp đò sông Ka Long mà bị cáo đã kêu oan suốt 7 năm trời.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Bùi Mạnh Giáp (SN 1983, trú xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) kéo dài từ ngày 21/8 – 24/9, qua một lần tạm hoãn và có tới 7 người tham gia bào chữa cho bị cáo, trong đó có 6 luật sư, một Thạc sĩ luật và cũng chính là em trai ruột bị cáo, anh Bùi Văn Khương (SN 1988, trú xã Tam Đồng).
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra 26 luận cứ chứng minh Bùi Mạnh Giáp vô tội. Theo hồ sơ vụ án có 964 bút lục, trong đó hơn 700 bút lục thể hiện các bị cáo bị oan và chỉ có một phần nhỏ trong vụ án này buộc tội bị cáo. Phiên tranh luận giữa đại diện VKSND TP.Móng Cái và luật sư bào chữa cho bị hại diễn ra rất căng thẳng.
Bị cáo Giáp cho rằng, Tống Ân Hoa không phải bị hại trong vụ án này, dấu vân của bị hại này trong giai đoạn sơ thẩm và phục hồi điều tra khác nhau, chữ ký cũng không trùng khớp. Bị cáo đặt nghi vấn việc giả điểm chỉ và đề nghị xác định dấu vân tay.
Người bào chữa Bùi Văn Khương cũng cho rằng biên bản truy tìm vật chứng có vấn đề. Cụ thể, tại biên bản trên thể hiện Biên phòng có dẫn 2 cửu vạn truy tìm vật chứng, sau đó 2 cửu vạn này cũng đã ký vào biên bản. Tuy nhiên thực tế thì 2 cửu vạn này không hề được dẫn đi truy tìm vật chứng. Ngoài ra theo người bào chữa Bùi Văn Khương thì việc chỉ dẫn vị trí đò bị cướp của 5 cửu vạn không trùng khớp với vị trí chỉ dẫn của bị hại.
Về nhóm tài liệu, chứng cứ lời khai của nhóm cướp của Đào Văn Linh, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh cho rằng “khi đi xác minh thì Hải, Linh, Chung đều khẳng định rằng không có việc kể lại với Cường mình là người trực tiếp gây ra vụ cướp đò…Những tài liệu đó chúng tôi hoàn toàn bác bỏ”.
Bức ảnh toàn cảnh hiện trường được đưa ra làm luận cứ tranh luận tại tòa.
HĐXX nhận định Cơ quan điều tra làm việc với Lê Thế Hải, Nguyễn Văn Chung và Đào Văn Linh (là bị can trong vụ cướp rượu Chivas tại Móng Cái) những người này đều khai không có việc tâm sự với Cường với nội dung họ chính là người gây ra vụ cướp trên.
Về nhóm tài liệu, chứng cứ lời khai của Đỗ Ngọc Nam, Trịnh Quốc Trường, Tạ Văn Lê, Hà Kỳ Nhuận, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Nam cho rằng đềm 16/12/2012 Nam có trong nhóm của anh Trưởng. Cả nhóm này không tham gia cướp tài sản. Sau khi nghe thấy tiếng pháo nổ tất cả mọi người trên bờ đứng lại xem, sau đó đi về. Riêng nhóm của Cường đi theo lối mòn. Nhóm này không cướp, khi nghe tiếng pháo nổ thì tất cả đứng ngắm xem. Điều này mâu thuẫn với diễn biến và những chứng cứ mà VKS đã chứng minh để buộc tội”.
Phía HĐXX nhận định về nội dung nhân chứng Đỗ Ngọc Nam có mặt tại phiên tòa và có đơn trình báo tại phiên tòa phúc thẩm. Về nội dung này VKS cũng đã đưa ra căn cứ chứng minh không chấp nhận lời khai của nhân chứng Nam.
Về nhóm tài liệu, lời khai của nhóm 5 cửu vạn Vũ Văn Sinh, Bùi Văn Giang, Bùi Văn Đẳng, Ngô Văn Công, Hà Xuân Quyền, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh đối đáp :“Thứ nhất không phải nhóm Sinh, Giang, Đẳng, Công, Quyền mà ngay cả nhóm các nhân chứng đã bị xử rồi, đã có mặt tại phiên tòa xét xử lần 1 đối với Giáp đều có lời khai như vậy. Và dùng kết quả đó là kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa để dử dụng làm chứng cứ kết luận có tội và không có tội”.
“Ngoài ra, trong quá trình điều tra lại và giai đoạn sau khi phục hồi điều tra. Cơ quan điều tra còn tiến hành ghi lời khai của Vũ Văn Sinh (Sinh năm 1995, cư trú tại: thôn Phương Khê, xã Chi Lăng Bắc, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), Bùi Văn Giang (Sinh năm 1969, cư trú tại: Xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) , Bùi Văn Đẳng (Sinh năm 1984, cư trú tại: Xóm Lục Đồi, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), Ngô Văn Công (Sinh năm 1986, cư trú tại: Xóm Công, thôn Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), Hà Xuân Quyền (Sinh năm 1992, cư trú tại: Thôn Đông Áng, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Những người này không khai nhận việc tham gia vụ cướp trên, nhưng trong quá trình ngồi chờ bốc hàng không nhìn thấy Cường, Lâm, Đáng, Trung và Tùng ngồi ở đâu”, HĐXX nhận định.
Bị cáo Bùi Mạnh Giáp trong phiên tòa xét xử 23/9, Thạc sĩ Bùi Văn Khương nắm chặt tay, nhắm mắt hi vọng kết quả phiên tranh luận có lợi cho anh trai mình.
Kết thúc phiên tòa, ngày 24/9, HĐXX đã quyết định y án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Giáp 7 năm tù giam về tội danh Cướp tài sản. Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Giáp gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tài sản công dân nước ngoài tại Việt Nam, gây mất an ninh trật tự, cần cách ly khỏi xã hội một thời gian để cải tạo giáo dục bị cáo.
Chia sẻ về phiên tòa, Thạc sĩ luật Bùi Văn Khương cho hay bản thân anh và anh trai Bùi Mạnh Giáp sẽ tiếp tục làm đơn kháng cáo, kêu oan đến các cơ quan, đoàn thể các cấp có thẩm quyền.
“Tôi chưa bao giờ hối hận trong suốt hành trình 7 năm kêu oan cho anh trai. Mỗi lần nhìn lại nỗi đau của bố mẹ, những lời động viên của vợ, tôi lại càng kiên định hơn trên con đường tìm kiếm bằng chứng minh oan cho anh Giáp. Hiện tôi đang làm việc với các luật sư, những người nhiều kinh nghiệm tố tụng để làm đơn gửi đến TAND tối cao, VKSND tối cao và các cơ quan có thẩm quyền. Chuyến hành trình của tôi có lẽ sẽ không thể dừng lại ở con số 7”, anh Khương cho hay.
Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm lần 2 bắt đầu từ ngày 16/4, đến ngày 25/4 tuyên án, hai nhân chứng Nguyễn Quốc Cường (SN 1989, quê Sơn La) và Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1994, quê Tuyên Quang) vừa trở về sau 6 năm tù giam (bản án sơ thẩm ngày 11/9/2014 của TAND TP Móng Cái) đã đứng ra làm chứng cho Bùi Mạnh Giáp vô tội. “Anh Giáp bị oan, không có việc anh Giáp chỉ đạo đi cướp. Anh Giáp chỉ đạo chúng tôi đi bốc hàng, có hàng xóm ở đó. Sau khi bốc hàng ở Gốc Đa về chúng tôi được anh Giáp chỉ đạo ra Cổ Ngỗng bốc hàng. Do nước sâu chưa có hàng. Thấy có vài tiếng nổ lớn, hỗn loạn, chúng tôi sợ, sau đó gọi anh Giáp về. Đang về đến đỉnh đồi gặp biên phòng, rồi họ mời chúng tôi về đồn”, Nhân chứng Nguyễn Quốc Cường khai tại tòa. Nhân chứng Nguyễn Quốc Cường lý giải vì sao nhận tội và tố cáo Bùi Mạnh Giáp là chủ mưu: “Trước hết là do bị đánh đau nên buộc tôi phải ký vào một số biên bản họ viết sẵn. Trước khi xử (phiên phúc thẩm năm 2016 được tách ra từ vụ án này mà Cường là bị cáo - P.V), quản giáo gọi ra khuyên nhận đi thì được giảm. Ra tòa, thư ký tòa khuyên mấy anh em bàn bạc nhận tội đi rồi tòa xử xuống. Khi vào xét hỏi tôi vẫn kêu oan. Đến khi bố tôi ngồi dưới bảo kêu oan không có cửa gì, lúc đó tôi hoang mang, áp lực nên đã nhận tội. Tòa phúc thẩm giảm từ 10 năm xuống 6 năm”. |