Tên lửa đạn đạo diệt hạm Đông Phong-26 của Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Reuters.
Fort-russ dẫn lời tác giả Andrei Kots cho biết, chính các chuyên gia Liên Xô đã giúp Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ ba hạt nhân
Theo Fort-russ, từ năm 1950 đến 1960, Trung Quốc đã được khoảng 10.000 nhân viên ngành công nghiệp hạt nhân Liên Xô đến hỗ trợ. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước xấu đi trong những năm sau đó và Liên Xô đã giảm chương trình viện trợ cho Trung Quốc. Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã nhanh chóng tự chế tạo được bom nguyên tử.
Một năm sau cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên trên mặt đất, Trung Quốc đã thả một đầu đạn hạt nhân từ máy bay và vào tháng 6/1967, họ kích nổ một quả bom hydro 3,3 megaton.
Theo đó, Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân thứ 4 trên thế giới sau Liên Xô, Mỹ và Anh. Ngày nay, Bắc Kinh có một bộ ba vũ khí hạt nhân thực sự đáng gờm, có thể trang bị trên máy bay, tàu ngầm để tấn công trên không, trên mặt đất và trên biển, theo chuyên gia Andrei Kots.
Vào tháng 5, Lầu Năm góc đã công bố một báo cáo về tiềm năng chiến lược và sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
Theo ước tính, Trung Quốc có khoảng 90 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa đạn đạo liên lục địa tối tân nhất của Trung Quốc là Đông Phong-41, có khả năng phóng từ 10 đến 12 đầu đạn hạt nhân định hướng riêng lẻ ở khoảng cách khoảng 14.000 km.
Các nhà phân tích của Lầu Năm Góc cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây.
Theo ghi nhận vào đầu tháng 10 của Cơ quan giám sát quân sự Mỹ, căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington đã thúc đẩy Trung Quốc tạo ra các hệ thống hiệu quả hơn để phóng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đại diện trên biển của lực lượng răn đe hạt nhân Trung Quốc chủ yếu là 4 tàu ngầm hạt nhân Jin (Type-094) có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo Julang-2 (JL-2) có tầm bắn từ 8.000 đến 9.000n km, báo cáo của Military Balance cho biết.
Trung Quốc đang phát triển một tàu ngầm chiến lược thế hệ mới, Type-096, dự kiến trình làng vào năm 2020. Các tàu ngầm này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo mới, Julang-3, với tầm bắn tới 12.000 km.
Trong khi đó, vào tháng 9/2016, Bắc Kinh đã chính thức xác nhận đang phát triển máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, Xian H-20, với tầm bắn hơn 8.000km.
Máy bay mới dự kiến sẽ thay thế phi đội máy bay ném bom chiến lược H-6 cũ. Không quân và Hải quân Trung Quốc có 170 máy bay H-6 với các phiên bản nâng cấp, sửa đổi khác nhau. Tùy thuộc vào các phiên bản sửa đổi, nâng cấp mà H-6 có thể mang theo tới 9 tấn bom, bao gồm bom nhiệt hạch, tên lửa hành trình không đối đất và không đối đất.
Tên lửa đạn đạo
Ngoài ra, theo các chuyên gia Mỹ, Trung Quốc có kho vũ khí ấn tượng lên tới 80 đơn vị tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-26, có thể bắn đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu cách xa 3.000-5.500 km.
Khi dược trang bị đầu đạn thông thường, những tên lửa Đông Phong-26 có thể được sử dụng để tiêu diệt các tàu mặt nước cỡ lớn và Đông Phong-26 được gọi là sát thủ tàu sân bay trực thăng.
Theo các chuyên gia, không chỉ vì Nga, mà chính vì Trung Quốc đang sở hữu một số lượng tên lửa tầm trung và tầm ngắn ấn tượng mới khiến Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung.