Dân Việt

Tiết lộ tuyệt chiêu "làm ao trên sông" giúp cá lớn nhanh như thổi

Qúy Trà 21/10/2019 13:10 GMT+7
Sau nhiều năm xoay sở nhiều nghề nhưng không khấm khá lên được, ông Triệu Văn Đông (xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đã mày mò nghiên cứu nghĩ ra bí quyết "làm ao trên sông". Với cách "làm ao trên sông" cá ông Đông nuôi lớn nhanh "như thổi" và cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đi dọc bờ sông Lô, đến địa phận xã Hùng Lô, huyện Đoan Hùng, bên cạnh những tàu cuốc, máy hút cát và những sà lan chở cát, sang mạn, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy một tổ hợp những lồng cá được đan sát vào nhau.

img

Bên dòng sông Lô nước chảy siết, váng dầu do hoạt động khai thác cát nhưng lại xuất hiện hàng chục lồng cá khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Nhiều lần đi qua đây, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã không khỏi thắc mắc là vì sao ở nơi nước sông chảy xiết, dầu máy loang lổ, nhưng lại xuất hiện những lồng cá như thế này. Không những thế, nhiều người nuôi cá lồng ở nơi khác đều rơi vào cảnh thua lỗ, hoạt động cầm chừng, thậm chí là "bán sới", nhưng ở đây nuôi cá trên sông vẫn phát triển. Từ những câu hỏi ấy, chúng tôi đã quyết định tìm gặp chủ nhân của 36 lồng cá này.

Tiếp chúng tôi là người đàn ông nhỏ thó, nước da rám nắng, nhưng ánh mắt sáng, tinh nhanh, khỏe mạnh. Ông cho biết, mình tên là Triệu Văn Đông, cựu chiến binh đang sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh của xã Hùng Long.

Theo ông Đông, năm 1980, ông lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, năm 1985, ông xuất ngũ trở về địa phương.

"Những năm đầu, dù chăm chỉ lao động, xoay sở nhiều nghề nhưng thu nhập của gia đình vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Với ý chí, bản lĩnh của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi luôn trăn trở phải tìm ra phương thức giúp tăng thu nhập kinh tế gia đình", ông Đông tâm sự.

Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm hiểu cách làm giàu, rồi lặn lội đi khắp các vùng để tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế, cuối cùng ông quyết định làm lồng nuôi cá trên sông.

img

Đi nhiều nơi, thấy nhiều mô hình kinh tế hay, nhưng khi biết về nghề nuôi cá lồng, ông Đông đã bén duyên luôn với nghề này.

"Đọc sách báo nhiều, đi nhiều, tôi thấy có nhiều mô hình để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi đến Thanh Thủy, thấy mô hình 'làm ao trên sông' của người dân, tôi đã bị "bén duyên" ngay. Bởi lẽ, lợi thế của việc nuôi cá lồng trên sông là có thể tận dụng dòng nước chảy nên môi trường nước đảm bảo, ít khi xảy ra dịch bệnh trên cá. Không những thế, bản thân gia đình cũng ở cạnh sông nên cũng muốn gắn bó với nghề này", ông Đông cho biết.

Cũng theo ông Đông, sau khi học hỏi được bí quyết, kỹ thuật nuôi cá lồng, ông còn mất nhiều thời gian nghĩ làm sao để "làm ao trên sông" cho bền vì nước sông Lô chảy rất xiết. Sau nhiều đêm suy nghĩ, thay vì làm lồng bằng tre thông thường, ông đã làm hẳn những lồng cá bằng sắt, nhờ đó, lồng của ông vừa chắc chắn, không lo bị trôi, lại có tuổi thọ bền hơn.

Đặc biệt, do khu vực ông làm lồng nuôi cá có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động khai thác cát sỏi nên hiện tượng tràn dầu từ các tàu cuốc khai thác cát ra môi trường nước là việc không tránh khỏi. Để tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng, phát triển của cá và thiệt hại về kinh tế không đáng có, ông còn nghĩ ra cách làm hàng rào bằng tôn chắn xung quanh để dầu không tràn vào lồng cá.

Các giống cá được ông Đông lựa chọn để nuôi chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng như: lá lăng, cá diêu hồng, cá trắm đen, cá chép…

img

Nhờ tuyệt chiêu "làm ao trên sông" mà cá trong lồng của ông Đông lớn nhanh như thổi, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Để phòng bệnh cho cá, ông cũng tận dụng những loại thuốc kháng sinh có trong tự nhiên như: lá xoan, vôi…để diệt khuẩn, khử trùng môi trường nuôi và tăng khả năng đề kháng. Nhờ vậy, cá sinh trưởng khỏe mạnh, ít bệnh tật. Không những thế, ông Đông còn trang bị 2 máy sục khí để tạo thêm oxy, nhờ đó mật độ cá trong lồng dày hơn và cá mau lớn hơn.

Theo tính toán, mỗi lồng cá có kích thước 6x6x3 m với  sức chứa gần 100 m3 nước, gia đình ông phải bỏ ra 30 triệu đồng tiền vốn gồm con giống, thức ăn… Sản lượng cá đến thời kỳ thu hoạch có thể đạt từ 4 – 4,5 tấn cá/lồng, tương đương với 1 ha mặt nước so với hình thức nuôi trồng thủy sản ở trong các ao, hồ. Với 36 lồng cá, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông Đông còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với hội viên và bà con trong thôn như vận động xây dựng quỹ hội, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế…

Nói về ông Đông, ông Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đoan Hùng nhận xét: "Thời gian qua, CCB Triệu Văn Đông đã tích cực tham gia hoạt động Hội và các phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, đồng thời làm ăn có hiệu quả, là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo".