Dân Việt

Vượt khó khăn, Hà Giang phủ bê tông cho 2.200km đường thôn bản

Trang Thảo (thực hiện) 18/10/2019 14:34 GMT+7
Sau gần 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của Hà Giang từng bước đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Kết quả đó chính là minh chứng cụ thể cho sự định hướng đúng đắn của các cấp ủy Đảng, sự sáng tạo trong cách làm của mỗi địa phương và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tỉnh Hà Giang.

Vậy Hà Giang đã thực hiện những giải pháp gì để đạt được kết quả quan trọng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Minh Tiến – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình MTQG tỉnh Hà Giang.

Là một trong những địa phương khó khăn nhất nhì các tỉnh miền núi phía Bắc, việc huy động nguồn lực của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế, sau 10 năm xây dựng NTM, Hà Giang đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, thưa ông?

- Như bạn biết, Hà Giang là 1 tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước, tỉnh có tới 7/62 huyện nghèo của cả nước (cuối năm 2018 bổ sung thêm huyện Bắc Mê); vì vậy trong việc triển khai chương trình xây dựng NTM tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2011, bình quân tiêu chí mỗi xã mới đạt 3,5 tiêu chí/xã; hết năm 2015 đạt 6,1 tiêu chí/xã; còn 19 xã dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ tỉnh và Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung quyết liệt với phương châm làm theo điều kiện của mình; lấy người dân là trung tâm, là nòng cốt trong quá trình thực hiện.

Với quan điểm và cách làm đó, sau gần 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Giang đã có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2019 có thêm 5 xã đạt chuẩn; số tiêu chí bình quân đạt 10,59 tiêu chí/xã; không còn xã nào dưới 7 tiêu chí. Thành phố Hà Giang đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015 và đang tích cực triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí, lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019.

img

Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang (thứ 3 từ trái qua) thăm mô hình làm vườn tại thôn Minh Thành, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên. (ảnh: Văn Chiến)

Với một địa phương có địa hình phức tạp như Hà Giang, việc thực hiện tiêu chí giao thông quả là khó khăn nhưng đến nay hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước khởi sắc rõ rệt. Vậy tỉnh đã hóa giải những khó khăn như thế nào, thưa ông?

- Hà Giang là tỉnh có diện tích lớn, địa hình lại chia cắt, phức tạp, việc thực hiện tiêu chí giao thông phải nói là một trong những tiêu chí khó khăn nhất trong thực hiện xây dựng NTM.

Xác định hệ thống giao thông hoàn thiện sẽ góp phần quan trọng vào thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và chất lượng đời sống văn hoá cho dân cư nông thôn, tiêu chí giao thông thực hiện tốt sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM khác nên Hà Giang đã dành nhiều ưu tiên cho công tác này.

Vì vậy, để thực hiện tiêu chí này, Hà Giang đã ban hành Đề án hỗ trợ xi măng (hay còn gọi là Đề án 114). Với mục tiêu cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn thiết yếu gồm: đường giao thông và kênh mương thủy lợi, Đề án được thực hiện trên phạm vi 11/11 huyện, thành phố. Kinh phí thực hiện dự kiến trên 1.300 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách địa phương 50%, Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 50%.

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện bê tông hóa được trên 2.200km đường trục thôn, liên thôn xóm, nội đồng, có 38/177 xã đạt tiêu chí giao thông.

img

Tuyến đường liên thôn, liên xã Bản Díu, huyện Xí Mần được bê tông hóa. (ảnh: Quang Minh)

Theo ông, đâu là kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM đối với một địa phương miền núi như Hà Giang? 

 Tỉnh Hà Giang đã có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đên hết 2020  là  43/177 xã, tỷ lệ hộ nghèo từ 43,65% (năm 2015)  giảm còn 31,17% (năm 2018); không còn xã nào dưới 9 tiêu chí;  
Phấn đấu đến năm 2025 có 50 xã trở lên, 5 xã NTM nâng cao; có xã NTM kiểu mẫu và bình quân đạt 14 tiêu chí/xã ; Thu nhập bình quân đạt từ 30-35 triệu đồng/người/năm.

- Sau quá trình tổ chức thực hiện chương trình, với tỉnh Hà Giang kinh nghiệm rút ra thì rất nhiều, nhưng theo tôi, một số kinh nghiệm cần tập trung nhất và phát huy đó là:

Cần phát huy được vai trò của người đứng đầu cấp ủy – chính quyền xã; trao quyền cho cấp huyện, cấp xã; Phải làm sao cho cán bộ đảng viên, những người lãnh đạo, tổ chức thực hiện chương trình hiểu rõ, hiểu sâu về chương trình; đây là điểm mấu chốt.

Phải đề cao tính dân chủ cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân quản lý, dân hưởng lợi”, để toàn bộ người nhân dân hiểu về ý nghĩa, mục đích của chương trình, từ đó sẽ phát huy được sức mạnh của nhân dân.

Xây dựng được hệ thống cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, đặc biệt là cấp xã với sự hiểu biết, tinh thông và trách nhiệm cao trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện thì mới đạt được  kết quả theo hướng cao nhất.

Và cuối cùng, căn cứ vào điều kiện thực tế của tỉnh miền núi khó khăn, phải có sự lãnh chỉ đạo, cơ chế, chính sách, phù hợp nhất để phát huy được nguồn kinh phí từ Trung ương hỗ trợ, nguồn lực của tỉnh và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát huy được nội lực trong nhân dân một cách mạnh mẽ. 

Đây là những kinh nghiệm cốt lõi để Hà Giang tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo.

Hà Giang đang có chủ trương phát triển du dịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM và chương trình OCOP, ông có thể nói rõ hơn về định hướng này?

- Hà Giang có thế mạnh đặc biệt về phát triển du lịch, do vậy, ngay từ năm 2012 để tận dụng những lợi thế sẵn có, tỉnh đã triển khai xây dựng các Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM; Ban hành Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển du dịch trên địa bàn tỉnh (ưu đãi về hỗ trợ giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng...); Ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch... Đến nay, các làng văn hóa du lịch tiêu biểu hoạt động khá hiệu quả, thu hút được nhiều lượt khách trong và ngoài nước.

Về Chương trình OCOP, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Hiện nay các huyện đang tổ chức triển khai thực hiện. Đến cuối năm nay, phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 75% sản phẩm hiện có của các huyện, thành phố (khoảng trên 100 sản phẩm); Phấn đấu có ít nhất 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh; 1-2 sản phẩm 3 sao cấp quốc gia...

Bên cạnh đó tỉnh còn tích cực triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng, nổi bật; đã có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, như: mật ong bạc hà, cam sành Hà Giang, hồng không hạt, chè Shan Tuyết, gạo già dui, bò vàng vùng cao.

Đồng thời xây dựng 10 chuỗi giá trị sản phẩm theo chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa CPRP (Chuỗi giá trị sản phẩm chè, cam, gỗ, thảo quả, mật ong, trâu bò, lợn, lúa gạo, lạc, thủy sản). Trên cơ sở đó thực hiện hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, người dân... để sản xuất ra các sản phẩm sạch, an toàn, tiến tới là sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

img

HTX dệt lanh của phụ nữ dân tộc thiểu số thôn Sà Phìn, xã Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang.

Mục tiêu của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn tới là gì? Theo ông, đâu là giải pháp để thực hiện mục tiêu đó?

- Mục tiêu năm 2020 của Hà Giang là phấn đấu có 05 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 lên 43 xã; không còn xã nào dưới 9 tiêu chí. Đồng thời nâng cao chất lượng đối với xã đã đạt chuẩn; tập trung vào xây dựng các thôn đạt chuẩn NTM.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có từ 50 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân đạt 14 tiêu chí/xã. Tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn; phấn đấu có từ 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 30-35 triệu đồng/người/năm.

Để đạt được các mục tiêu trên Hà Giang đã đề ra các giải pháp rất cụ thể, đó là: tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về Chương trình xây NTM; Đẩy mạnh phong trào thi đua Chung sức xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh;

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu mà ở đây là vai trò của Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND;

Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách xây dựng NTM cho phù hợp với điều kiện một tỉnh miền núi; Trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân; tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông thôn; huy động xã hội hóa từ các nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công tư trong sản xuất nông nghiệp...;

Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở trong tổ chức triển khai thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và làm chủ trong xây dựng NTM theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”; Đồng thời toàn, hoàn thiện bộ máy chỉ đạo, điều hành và cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cấp thôn, bản theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông.