Đó là nghề săn sá sùng trên những bãi bồi ven biển thuộc các xã Đồng Tiến, Xuân Đài, Quan Lạn…của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Sá sùng được biết đến là một trong những món ăn nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Cũng bởi sự nổi tiếng này mà mỗi kg sá sùng khô có giá ngang với 1 chỉ vàng.
Tuy nhiên, để đi săn được thứ vàng dưới lòng cát này, những phụ nữ nơi đây chỉ bắt đầu công việc vào lúc thuỷ triều xuống.
"Chẳng biết nghề này gắn liền với chúng tôi từ khi nào, chỉ biết là đời ông bà tôi cũng làm, đến đời bố mẹ tôi và giờ đến đời chúng tôi" – chị Hoa (xã Đông Tiến – huyện Vân Đồn) cho hay.
Cũng theo chia sẻ của chị Hoa, sá sùng mùa nào cũng có. Tuy nhiên, vào mùa đông lượng sá sùng lên kiếm ăn ít hơn và chúng chỉ nở rộ vào những tháng mùa hè.
Sá sùng tươi bắt lên nếu bán buôn cho thương lái giá dao động từ 350.000 – 450.000/kg, tuỳ kích thước.
“Tuỳ theo từng ngày, ngày nhiều có khi được 3-4 kg, ngày ít thì hơn 1kg. Cũng đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt cho gia đình” – chị Lục Thị Bình ở Quan Lạn cho hay.
Để đào được những “thỏi vàng” từ dưới lòng cát, những người phụ nữ nơi đây ngoài kinh nghiệm ra còn phải rất tinh mắt bởi tổ của sá sùng rất nhỏ. “Thấy tổ của chúng, phải đào thật nhanh kẻo chúng bị động sẽ lủi sâu vào lòng cát” – chị Bình chia sẻ.
Sá sùng sau khi đào về, người dân phải lột chúng ra rửa sạch đất, cát và trần bằng nước sôi rồi mới đem sấy khô.
Giá sá sùng không phụ thuộc vào mùa mà phụ thuộc vào giá vàng trên thị trường. “Cứ giá vàng tăng thì giá sá sùng khô cũng tăng theo tỷ lệ tương đương và ngược lại”
Tuy nhiên, để có 1kg sá sùng khô thì phải mất từ 7-8kg sá sùng tươi.
Sá sùng có nhiều nhất tại các bãi biển thuộc các xã Đông Tiến, Xuân Đài, Quan Lạn…
Ngày 5/11/2011, Bộ NN&PT Nông thôn đã ra Thông tư, đưa sá sùng vào loài có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Sơ chế sá sùng tươi.
Những người phụ nữ đào cát tìm vàng trên bãi biển Minh Châu thuộc xã Quan Lạn