Dân Việt

Nước sạch Sông Đà nhiễm dầu: “TP.Hà Nội việc cần thì không làm”

Huyền Anh 18/10/2019 14:30 GMT+7
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, qua sự cố nước sạch nhiễm bẩn và những sự việc xảy ra trong thời gian vừa qua như cháy nhà máy Rạng Đông, ô nhiễm không khí… cho thấy sự “bàng quan” của Nhà nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Trong khi đó, đạo đức xã hội bao gồm cả đạo đức kinh doanh và đạo đức con người ngày càng “xuống cấp”?

Nhiều tấn dầu được đổ trộm ở đầu nguồn suối Trầm vừa qua đã gây ô nhiễm dòng nước sông Đà cung cấp cho hàng trăm nghìn hộ dân ở Hà Nội.

Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hậu quả vụ việc chưa được giải quyết. Một lần nữa, dấu hỏi về trách nhiệm của Nhà nước, của TP.Hà Nội lại được đặt ra?

Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

img

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh

Thưa ông, nước là mặt hàng “nhạy cảm”, vì sao Nhà nước lại “phó mặc” cho doanh nghiệp?

- Tôi cho rằng, không phải Nhà nước đang “phó mặc” cho doanh nghiệp mà vấn đề ở đây là sự buông lỏng trong quản lý, trong khi đó cả trách nhiệm lẫn đạo đức của nhiều cá nhân ngày càng có chiều hướng đi xuống.

Qua sự việc của nước Sông Đà nhiễm bẩn cho thấy cơ chế quản lý, giám sát của chúng ta đang tồn tại quá nhiều bất cập. Chúng ta không hề giám sát từ khối lượng, thời gian và giá cả, chất lượng nước cung cấp.  May là cá nhân hay tổ chức nào nào đó chỉ đổ dầu thải, còn nếu nó đổ chất độc xuống thì sao? Trong trường hợp đó, thì nguồn nước còn độc hại hơn nữa và tính mạng con người còn nguy hiểm hơn nữa.

Không chỉ sự việc này, mà trong nhiều sự việc đã xảy ra trong thực tế thời gian qua thì tôi khẳng định, công tác quản lý, chất lượng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước rất kém. Quản lý không thường xuyên, cách thức không chặt chẽ.

Tất nhiên, nếu đó là hành động cố tình phá hoại thì cũng sẽ rất khó lường nhưng cơ chế quản lý giám sát tốt, khả năng phòng ngừa tốt thì chúng ta vẫn sẽ đảm bảo chất lượng hàng hóa của sản phẩm.

Trong khi Nhà nước thì “buông lỏng” quản lý, doanh nghiệp cung cấp nước sạch ở đây là công ty nước sạch Sông Đà cũng không hề có tinh thần trách nhiệm.

img

Công ty nước sạch Sông Đà “ngang nhiên” cung cấp cho hàng trăm nghìn hộ dân thành phố dù nước nhiễm bẩn

Khi mất nước, nhà cung cấp im lặng cho tới khi người dân phát hiện ra, cơ quan báo chí vào cuộc cũng vẫn in lặng cho tới khi thừa nhận nước nhiễm bẩn doanh nghiệp cũng không có một lời xin lỗi tới khách hàng cứ như trách nhiệm không phải của doanh nghiệp vậy?

Tinh thần trách nhiệm không có, còn đạo đức cũng “xuống cấp” kể cả đạo đức kinh doanh và đạo đức con người. Nước nhiễm bẩn nhưng vẫn “ngang nhiên” cung cấp cho hàng trăm nghìn hộ dân thành phố này dùng thì không thể chấp nhận được.

Thực sự, đạo đức xã hội thời gian qua bị buông lỏng, đặc biệt đạo đức nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh. Theo tôi, cơ quan quản lý phải vào cuộc để xử lý nghiêm khắc để từ đó nâng cao bài học trách nhiệm, đủ sức răn đe, nâng cao đạo đức con người và kinh doanh.

Như ông chia sẻ, trách nhiệm cũng như công tác quản lý của bộ máy Nhà nước đang bị “buông lỏng”. Vậy cụ thể hơn, ông đánh giá như thế nào về năng lực của UBND thành phố Hà Nội qua những sự việc như cháy nhà máy Rạng Đông, không khí Hà Nội ô nhiễm… và nước sạch nhiễm bẩn này.

- Thành phố Hà Nội quá chậm, quá “bàng quan”, thiếu nhanh nhạy và cũng quá lúng túng với những sự việc xảy ra trong thời gian qua. Trong khi đó, cơ chế quản lý không nghiêm túc, xử lý cũng không nghiêm. Không nghiêm khắc thì không ai sợ.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội dường như cũng không có bất cứ kinh nghiệm ứng phó nào liên quan đến sự cố môi trường, dẫn đến việc người dân phát hiện nước sạch từ nhà máy sông Đà nhiễm gần 1 tuần mới ra khuyến cáo, bố trí xe cung cấp nước sạch cho người dân.

Việc cần thì chẳng làm. Thành phố Hà Nội cần phải nhìn nhận lại về năng lực và trách nhiệm của mình.

Ngoài những vấn đề vừa đề cập, liệu chúng ta có cần phải xem lại cách lựa chọn doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm “nhạy cảm” như nước hay không?

img

Người dân thành phố xếp hàng lấy nước

- Nước có thể được coi là mặt hàng công bởi cung cấp cho số đông người dân. Tại các quốc gia trên thế giới, Chính phủ phải có trách nhiệm đảm bảo cung cấp mặt hàng này cho người dân của họ.

Mặc dù vậy, đây lại là mặt hàng có thể kinh doanh được và có thể có các thành phần kinh tế khác tham gia vào cung cấp nên tại các quốc gia khác họ cũng thực hiện giao việc kinh doanh các mặt hàng này kể cả điện và nước cho các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà cung cấp đều phải qua quá trình đấu thầu công khai chứ không phải là chỉ định thầu. Đầu thầu công khai để từ tìm được người phù hợp có năng lực tài chính, có được đủ các điều kiện cần thiết theo đúng phẩm cấp yêu cầu cho cơ quan quản lý.

Thứ hai, để cung cấp được mặt hàng này ngoài năng lực tài chính, kỹ thuật và nhận thức của bên tham gia bỏ thầu thì còn đòi hỏi hợp đồng rõ ràng, cụ thể. Trong đó, phải quy định cụ thể về trách nhiệm của người cung cấp dich vụ và Nhà nước

Đây là mặt hàng công cộng vì thế Nhà nước phải nắm được kế hoạch cung cấp, khối lượng, thời gian và đặc biệt là chất lượng và giá cả.

Tôi cũng phải khẳng định lại, hàng hóa công rất dễ dẫn tới tình trạng “độc quyền”, ngay cả điện của các quốc gia khác cũng tương tự. Vì thế, người thắng thầu cung cấp sản phẩm phải có hợp đồng cụ thể và rõ ràng là doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo như Nhà nước cung cấp.

Nói như vậy có nghĩa rằng, Nhà nước phải là người kiểm tra, giám sát khối lượng, chất lượng, thời hạn giá cả của sản phẩm này khi doanh nghiệp cung cấp cho người dân. Không thể để cho doanh nghiệp thích cung cấp thế nào cũng được.

Quay về với Việt Nam, chúng ta đang mong muốn cổ phần hóa, tư nhân hóa các dịch vụ công kể cả điện nước hay các hàng hóa khác như y tế giao dục đào tạo. Chúng ta đang khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phục vụ cung cấp hàng hóa dịch vụ công cho nền kinh tế và rõ ràng là chúng ta là người đi sau trong phát triển kinh tế thị trường thì chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.

Cũng phải nói thêm rằng, theo một số nguồn tin cho biết, việc cung cấp điện nước của chúng ta vẫn mang tính độc quyền và vẫn chưa có đấu thầu công khai. Chỉ định thầu dễ dẫn tới việc lợi ích nhóm, sân sau… Đã đến lúc cần phải nhìn nhận thấu đáo và có sự thay đổi toàn diện tất cả những vấn đề nêu trên.

Xin cảm ơn ông!