Hiện cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 93 đơn vị cấp huyện (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Chương trình xây dựng NTM góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân nông thôn, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Từ mạnh dạn vay vốn, phát triển kinh tế
Chia sẻ câu chuyện làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao, chị Đặng Thị Cuối, nông dân huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, gia đình chị làm nông nghiệp bao đời nay, với cách thức sản xuất truyền thống, sản lượng rau củ trung bình chỉ có 4-5 tạ/xào. Vất vả nhưng thu nhập không được bao, vợ chồng chị phải “tha hương cầu thực”. Sau hơn 10 năm xuất khẩu lao động, chị đã tích góp được một phần tài chính, vừa học hỏi được kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao (CNC) mà Đài Loan đang triển khai.
Chị Đặng Thị Cuối, nông dân huyện Đan Phượng
Ấp ủ ước mơ làm chủ, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào dồn điền đồn thửa và đẩy mạnh mô hình nông nghiệp CNC, chị đã quyết tâm về nước hiện thực hóa giấc mơ “làm giàu từ nông nghiệp”.
Ban đầu, chị Cuối chỉ làm thử 3 xào rau sạch bởi vì nguồn vốn không lớn. Sản xuất nhưng không tiêu thụ được vì thấy rau đẹp nên người tiêu dùng không ai dám mua. Không nản lòng, chị Cuối “thuyết phục” khách hàng bằng cách hiếm ai làm là tặng rau cho mọi người dùng thử. Dần dần nhiều người tin tưởng, gia đình chị sản xuất không kịp để bán.
Cũng kể từ đó, thị trường mở rộng khiến chị Cuối trăn trở với việc mở rộng mô hình. Được sự động viên của chính quyền địa phương và ngân hàng, chị Cuối được Agribank trên địa bàn cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Từ những đồng vốn ban đầu Agribank hỗ trợ, chị Cuối mở rộng sản xuất và đến bây giờ đã đạt được hiệu quả cao.
“Sản xuất theo CNC mỗi xào đất đạt năng suất hơn 1 tấn, thậm chí 1,6 tấn. Nếu họ bán 10 nghìn/kg thì gia đình tôi phải bán gấp đôi, 1 tấn rau vào khoảng 20 triệu chỉ trong vòng 20 ngày. So với ổi thì thu nhập gấp hàng trăm lần, còn so với cách làm truyền thống thì gấp 2-3 lần về sản lượng. Quy mô đầu tư của tôi đã lên tới 7 tỷ, thu nhập mỗi năm đạt 500 triệu trở lên. Gia đình cũng đã có một phần trả nợ ngân hàng”, chị Cuối thông tin.
Câu chuyện của ông Trần Văn Hiệu (Đông Anh – Hà Nội) cũng khiến nhiều người phải học tập.
Mô hình chăn nuôi của ông Trần Văn Hiệu (Đông Anh – Hà Nội)
Mặc dù lĩnh vực chăn nuôi là lĩnh vực “nhạy cảm” và nhiều rủi ro trước những tác động từ thiên nhiên, môi trường nhưng sau nhiều năm “thăng trầm”, ông Hiệu vẫn đứng vững và phát triển ngày càng lớn mạnh. Hiện mô hình chăn nuôi của ông có tới 80 nghìn con gà bố mẹ, gà giống trung bình 1 triệu con/tháng xuất, lợn giống từ 500-600 con. Theo ông Hiệu, có được quy mô chăn nuôi như ngày hôm nay, nguồn vốn vay ngân hàng chính là “bệ đỡ” rất lớn.
Mức vay đầu tiên năm 1989 chỉ có hơn 2 triệu, từng bước lên tới tối đa 25 tỷ. Ông Hiệu cho biết: “Tôi có 30 năm theo đuổi chăn nuôi thì có tới 29 năm làm bạn với Agribank. Chúng tôi được tạo điều kiện thuận lợi khi vay vốn, thủ tục dễ dàng. Nhờ đồng vốn vay, năm nào doanh nghiệp cũng có lợi nhuận, có nhiều thời điểm lên tới 5-7 tỷ. đồng Không có vốn vay của Agribank chúng tôi sẽ không được như hôm nay”.
… tới góp phần xây dựng NTM
Khi được hỏi về sự đóng góp đối với chương trình xây dựng NTM, ông Hiệu cho biết, gia đình ông đã đóng góp gần 1 tỷ đồng trong chương trình xây dựng NTM tại địa phương như xây dựng đường bê tông hay cầu dân sinh. “Mỗi người dân địa phương đều mong muốn góp sức xây dựng NTM nhưng để làm được điều đó chúng tôi phải có kinh tế”, ông Hiệu nhấn mạnh.
Với chị Cuối, hiệu quả từ mô hình trồng rau công nghệ cao, chị đã giúp cho gần 20 nhân công là người dân địa phương có việc làm thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng, đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương.
Agribank "chung tay" xây dựng nông thôn mới
Hiện tại, sau 10 năm xây dựng NTM về cơ bản đời sống vất chật tinh thần của người dân nông thôn đã được cải thiện, cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch đẹp. Lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương cũng phải thừa nhận, “chìa khóa” mang tính quyết định tới kết quả xây dựng NTM là nguồn lực về tài chính. Tại các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM có tới trên 50% nguồn lực này là đóng góp từ phía người dân địa phương.
Cũng phải nhìn nhận, nếu như trước đây người nông dân phải loay hoay tự thân vận động thì hoạt động tín dụng ngân hàng giờ đây đã thực sự gần với bà con nông dân hơn và góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn. Nếu như ngân hàng không đồng hành, người nông dân không thể phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập thì diện mạo của nông thôn Việt Nam không thể “lột xác” như ngày hôm nay.
Agribank đã triển khai cho vay xây dựng NTM toàn quốc với doanh số cho vay 2,825,087 tỷ đồng; dự nợ 487,041 tỷ đồng, tăng 9,64%. Tại 8.939 xã trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. |