Dân Việt

10 năm nông thôn mới: Mơ về những miền quê thanh tao, đáng sống

Anh Thơ (thực hiện) 19/10/2019 07:00 GMT+7
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những đổi thay mang tính toàn diện. Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, các tiêu chí xây dựng NTM cũng phải thay đổi để phù hợp với những biến động của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương đã đạt được những kết quả khá nổi bật. Theo Bộ trưởng, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất của chương trình ?

- Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X lần đầu tiên bàn đến 3 nội dung lớn: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên cơ sở đó thống nhất về mặt hành động, nhận thức, ban hành các giải pháp đồng bộ để đưa nông nghiệp phát triển, giai cấp nông dân lên vị thế mới, nông thôn được ngày càng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã có chương trình hành động với những đề án cụ thể. Một trong những chương trình đó là xây dựng NTM, ban hành theo Quyết định 800, thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2020.

Có thể thấy, xây dựng NTM là một chương trình triển khai sâu rộng trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, xã hội đến an ninh quốc phòng, phạm vi ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, trên toàn bộ các vùng nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam gồm 9.000 xã, 600 huyện của 63 tỉnh thành phố. Một chương trình chưa từng có tiền lệ.

Trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM chúng ta chưa hề có tiền lệ thực hiện một chương trình nào tương tự, với khối lượng công việc khổng lồ, mang tính toàn diện để thay đổi diện mạo nông thôn, cơ cấu sản xuất, đòi hỏi phải tiêu tốn một nguồn lực khá lớn để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, củng cố thiết chế văn hóa, đổi mới sản xuất. Nhiều người hoài nghi sẽ không thể thực hiện được mục tiêu của chương trình.

Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến thời điểm này, có thể khẳng định, những mục tiêu bao trùm của chương trình chúng ta đều đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu còn vượt mục tiêu đề ra.

Theo đó, Nghị quyết 26 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn tăng 2,5% so với năm 2008 thì đến nay mục tiêu bao trùm đã vượt, thu nhập của người dân đã tăng 3,5 – 3,7 lần (năm 2018, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người, năm 2019 đạt 37 triệu đồng/người).

Thiết chế hạ  tầng cứng và mềm ngày càng hoàn thiện, tổng đầu tư toàn xã hội cho xây dựng NTM trong 9 năm đạt 2 triệu tỷ đồng, từ đó hoàn thành thiết chế hạ tầng, riêng đầu tư cho hoàn thiện đường giao thông đã gấp 5 lần trong 5 năm qua; đến nay gần như 100% số xã đã cơ bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM thì đến nay, đã có 5.500 xã đạt chuẩn, vượt trên 50%, về trước một năm.

img

Bộ trưởng Bộ NTNPTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 3 từ trái sang) đến thăm và chỉ đạo việc tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). (ảnh: Anh Thơ)

Nhưng trên thực tế, sau 10 năm thực hiện một chương trình phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, có những điểm nghẽn (ví dụ về đất đai) vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào ? 

- Đúng là có những điểm nghẽn đang trở thành rào cản để thực hiện mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, ví dụ chính sách đất đai hiện nay đang gây khó khăn cho quá trình dồn điền đổi thửa.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, trên cơ sở đó chỉnh sửa một số vấn đề về đất đai, tạo điều kiện cũng như môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phù hợp với nền sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, cũng để phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực khác ngày càng rõ nét...

Bên cạnh đó, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuy đã đạt được nhiều kết quả, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án lớn nhưng thực tế con số vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Đến nay, mới có 1 vạn trong tổng số 700.000 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp. Vừa qua Chính phủ đã có Nghị định 57 về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tới đây, phải triển khai nghị định như thế nào để tạo ra động lực thu hút doanh nghiệp tìm đến nông nghiệp, tạo ra bức tranh tái cơ cấu nông nghiệp sâu hơn, toàn diện hơn.

img

Một con đường hoa ở xã Hải Bắc (Hải Hậu, Nam Định).

Trong giai đoạn mới, chương trình xây dựng NTM cần thay đổi những gì trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, thưa Bộ trưởng? 

Hôm nay, 19/10, hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ diễn ra tại Nam Định. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, chỉ đạo hội nghị; khoảng 600 đại biểu tham dự. Bên lề hội nghị cũng có các sự kiện như: Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020; Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trình diễn sản xuất sản phẩm OCOP; quảng bá, xúc tiến sản phẩm OCOP…

- Chúng ta đang đứng trước giai đoạn cách mạng 4.0 với nhiều cơ hội cũng như thách thức, cơ hội là được tiếp cận với nền khoa học công nghệ phát triển để có thể tận dụng cơ hội rút ngắn khoảng cách tạo cuộc chơi công bằng. Nhưng biến đổi khí hậu cũng đặt ra những thách thức to lớn, đòi hỏi chúng ta phải có sự chủ động để ứng phó.

Trong bối cảnh đó, có rất nhiều vấn đề đặt ra, phải đánh giá lại bộ tiêu chí NTM, có những tiêu chí mang tính bản chất như thu nhập, đời sống người dân, tiêu chí cơ bản về môi trường hay những tiêu chí mềm như bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống nông dân, vai trò vị thế của người nông dân cần được đánh giá lại.

Bên cạnh đó, khi hội nhập với nền kinh tế thế giới nghĩa là chúng ta đã tham gia cuộc chơi toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận cả những rào cản kỹ thuật mà các nước dựng lên để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, hình thành các chuỗi liên kết lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ thực tế này, đòi hỏi các ngành chức năng hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định.

Nếu có một mong ước về bức tranh NTM trong tương lai thì ông mong ước điều gì?

- Chúng tôi kỳ vọng chúng ta có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững, giai cấp nông dân tiến bộ, khá giả, tiến tới giàu có, nông thôn có nét đẹp riêng, các giá trị văn hóa tốt đẹp được lưu giữ, môi trường sống trong lành, nông thôn là những làng quê thanh tao, đáng sống.

Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!