Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, đến nay 100% số xã, thị trấn của 10/10 huyện, thành phố của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM. Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM bền vững nhằm nâng cao hơn nữa đời sống người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong cho biết: Với cách thức vừa học vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, dựa vào tình hình thực tế của địa phương, Nam Định đã chủ trương xây dựng NTM trước hết phải khai thác nội lực từ chính cộng đồng dân cư, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tính đến tháng 6/2019, tổng các nguồn huy động cho xây dựng NTM của tỉnh đạt trên 21 nghìn tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 27%, còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác.
Từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành chỉ thị về dồn điền đổi thửa. Nhờ sự đồng thuận của toàn dân, chỉ sau 5 năm, toàn tỉnh đã có 2.976/2.986 thôn, đội hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt 99,7%. Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng NTM và hình thành các cánh đồng lớn.
Con đường nông thôn mới ở Hải Hậu (Nam Định). (ảnh: Khánh Nguyên)
Trong khi đó, Đồng Nai xây dựng NTM với tinh thần “Chủ động, quyết tâm, quyết liệt” kể cả trước và trong thực hiện.
Sau 8 năm thực hiện chương trình, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Đồng Nai đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,8 lần; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,11%, giảm 6,51% so với năm 2011, năm đầu thực hiện chương trình.
Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành 133/133 xã (100%) đạt chuẩn NTM, trong đó có 31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh. 11/11 (100%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về trước 2 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh xác định.
Theo ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nguồn lực được tỉnh xác định có vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là nguồn lực con người, trong thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hơn 42,887 nghìn tỷ đồng cho NTM chiếm 13,98%.
Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, theo ông Chánh, trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải chủ động. Ngoài ra, phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động. Bố trí sử dụng hiệu quả đối với các nguồn lực, để vừa đáp ứng hiệu quả trước mắt, vừa kích thích trở lại, huy động đối với các nguồn lực tiếp theo. Chính vì vậy, những năm qua, trong xây dựng NTM, tỉnh không có tình trạng huy động quá sức dân, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản...