Google Glass là một cặp kính đặc biệt cho phép vừa quay video, vừa chụp hình, vừa phát cho cả thế giới xem những hình ảnh phía trước mắt bạn. Nghe có vẻ rất hấp dẫn phải không, chí ít thì đó cũng là những gì mà Google quảng cáo.
Tuần trước, một vài người đã đấu giá Google Glass với giá khởi điểm 1500 USD trên eBay và mức giá cuối cùng mà người ta đưa ra cho thiết bị này lên tới 16.000 USD, trước khi eBay khóa cửa topic đấu giá này vì người sở hữu không chứng minh được là anh ta đang cầm kính trong tay.
Tại thời điểm này, Google Glass cũng là gương mặt đại diện đình đám nhất của "điện toán mặc được", vốn được giới phân tích dự đoán là sẽ rất phổ cập trong tương lai. Trong vòng 50 năm qua, chúng ta đã tiến hóa từ những chiếc máy tính mainframe khổng lồ có diện tích bằng cả căn phòng tới những chiếc smartphone mạnh ngang laptop nhưng chỉ nhỏ bằng nửa bàn tay.
Bước phát triển kế tiếp của máy tính chính là có thể đeo/khoác/mặc được trên người, và ý tưởng của Google là bạn chỉ cần dùng giọng nói của mình để ra lệnh cho máy làm mọi việc. Thế nhưng ngay khi sản phẩm này còn chưa thực sự hoàn thiện, thì nhiều câu hỏi về tác động xã hội của Google Glass đã được nêu ra.
Câu hỏi đầu tiên, cũng là hiển nhiên nhất, chính là sự riêng tư cá nhân? Sẽ phải làm sao khi người khác có thể quay phim, chụp hình bạn chỉ trong nháy mắt mà thậm chí không cần phải giơ máy ảnh lên? Làm sao bạn có thể nhận biết mình đang là đối tượng bị xâm phạm riêng tư khi trong tương lai, ai cũng có thể đang đeo một chiếc kính Google trên mắt?
David Yee, Giám đốc Công nghệ của một công ty công khai bày tỏ sự lo ngại trên Twitter thông qua một viễn cảnh tưởng tượng như sau: "Có một chàng thanh niên vào quán ăn. Anh ta có thể quay phim mọi thứ bên trong nhà hàng rồi tải lên máy chủ Google và trang Google+ cá nhân của mình trong lúc đợi phục vụ, bao gồm cả việc đôi tình nhân trong góc đang âu yếm nhau, bà vợ đang cằn nhằn ông chồng đại gia ở bàn giữa và một em bé vừa ngoáy mũi vừa ăn ở bàn gần cửa sổ".
Joshua Topolsky, một trong những nhà báo công nghệ có may mắn dùng thử Google Glass đầu tiên đã trực tiếp phát hiện thấy nguy cơ này khi đeo kính vào Starbucks. Tháp tùng anh là một ekip quay phim, nhưng trong lúc camera-man bị yêu cầu cất máy quay thì từ đầu đến cuối buổi, Topolsky cứ miệt mài ghi hình mà chẳng bị bất cứ can thiệp nào.
Đến đây, vẫn nhiều người tự hỏi thế thì có hại ở chỗ nào? Câu trả lời nằm ở chính Google, một hãng mà trong quá khứ đã nhiều lần phá vỡ ranh giới của cái gọi là "sự riêng tư". Từ Google Buzz (khi Google xây dựng một "mạng xã hội" từ danh sách email của người dùng) cho đến những bức hình "tai nạn" trên Street View... Thậm chí, Google còn phải hứng chịu nhiều chỉ trích ở châu Âu vì thái độ không nghiêm túc đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dùng.
Không có gì đảm bảo là Google sẽ không bán những dữ liệu mà Google Glass thu thập được (đã được ẩn danh một cách phù hợp) cho một bên thứ ba nào đó. Và đừng quên rằng smartphone có thể tiết lộ cực kỳ nhiều thông tin về bạn. Song Chaoming, một học giả thuộc Đại học Boston đã thử tiến hành phân tích các bản ghi của ĐTDĐ để rồi từ đó phát triển ra thuật toán dự đoán vị trí của người dùng tại bất cứ thời điểm nào trong ngày. Chaoming cho biết căn cứ vào cường độ của tín hiệu các trạm BTS, thuật toán này có thể định vị chính xác tới 93%.
Nên biết rằng Chaoming chỉ mới "làm thử cho vui" trong thời gian rảnh mà thôi, còn Google thì có hẳn một ekip với nhiệm vụ duy nhất là cải tiến thuật toán định vị chủ nhân điện thoại. Do đó, nếu như bạn đang sử dụng điện thoại Android, có lẽ Google còn nắm rõ lịch sinh hoạt của bạn hơn cả người thân.
Những mạng xã hội như Facebook, Twitter và sự phổ biến của điện thoại chụp hình càng khiến cho ranh giới của riêng tư và chốn công cộng trở nên mờ nhòa hơn. Google từ chối bình luận về những vấn đề này, nhưng một nguồn tin nội bộ cho biết, thật ra ban lãnh đạo của hãng biết rõ các nguy cơ ngay từ ngày đầu.