Dân Việt

Tân Chủ tịch Lương Hải Sinh và “gánh nặng” vạn tỷ của ngân hàng VDB

Huyền Anh 19/10/2019 13:38 GMT+7
Ông Lương Hải Sinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sau 2 năm bỏ trống. VDB nằm trong cảnh báo từ Kiểm toán Nhà nước về rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động. Tính đến hết năm 2018, VDB “ôm” tới hơn 46 nghìn tỷ đồng nợ xấu và lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Lương Hải Sinh - Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Như vậy, sau gần 2 năm khuyết, vị trí Chủ tịch VDB mới có người tiếp quản.

img

Ông Lương Hải Sinh, Tân Chủ tịch VDB

Ông Lương Hải Sinh được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc DATC vào tháng 6/2016.

Trước đó, ông Lương Hải Sinh từng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); thành viên Hội đồng Quản trị – Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần điện lực.

Ông Lương Hải Sinh sinh ngày 1/1/1975 tại Thái Nguyên, có trình độ chuyên môn thạc sỹ kinh tế quốc tế - Đại học Ngoại thương Hà Nội, thạc sỹ quốc tế - Đại học Sunderland (Anh).

Trong báo cáo mới đây của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc gửi tới các vị ĐBQH tham dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV về công tác năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra những thông tin cụ thể về hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

img

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Theo Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc, hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm 866,5 tỷ đồng. Còn lỗ lũy kế VDB đến 31/12/2018 là 4.873,1 tỷ đồng.

Nợ xấu tại VDB tính tới 31/12/2018 là 46.116,6 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ, trong khi đó việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790,1 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu... tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động; hiện nay số liệu bù chênh lệch lãi suất mà NSNN phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn 13.496,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, liên quan tới vấn đề pháp luật, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đầu tiên, đó là vụ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng. Công ty không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.

Thứ hai, vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay). Sở Giao dịch 1 - Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.

Theo một số báo cáo từng công bố trước đó, trong số 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ngân hàng VDB là một trong những ngân hàng cho vay nhiều nhất. Tổng số vốn vay của 12 dự án này tại các ngân hàng trong nước hơn 41.800 tỷ đồng, thì vay VDB là 16.800 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ khẩn trương phê duyệt quy chế xử lý rủi ro cho ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) để xử lý những vấn đề hiện tại của VDB liên quan đến các dự án thua lỗ, yếu kém.