Dân Việt

Điều làm nên sự “lừng lẫy” của các nữ doanh nhân Việt?

PV 20/10/2019 11:38 GMT+7
Dù trên sân nhà hay trên trường quốc tế, các nữ doanh nhân Việt đều đã phải ‘đấu’ với những ông lớn sừng sỏ của thế giới. Vậy mà họ đều để lại dấu ấn và cho thấy ‘quyền lực’ của mình. Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự dịu dàng và táo bạo, quyết đoán mà có tâm, thông minh và có tầm chính là những yếu tố tạo nên thành công “lẫy lừng” của nữ doanh nhân.

So với các quốc gia phát triển, các nữ doanh nhân thuộc top người giàu nhất nước của Việt Nam chiếm số lượng cao hơn hẳn. Mẫu số chung của họ là dịu dàng và táo bạo, quyết đoán và có tâm, thông minh và có tầm.

PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có những chia sẻ về sự thành công của những nữ doanh nhân Việt nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

img

PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Dịu dàng và táo bạo, quyết đoán và có tâm, thông minh và có tầm

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện ngày càng nhiều nữ doanh nhân Việt thành đạt?

Đúng là, nữ doanh nhân Việt thành đạt ngày càng xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Nếu như nhìn suốt chiều dài lịch sử ở nước ta thì đây đúng là một sự khác thường. Từ thân phận “tòng phụ, tòng phu, tòng tử”, cuộc đời gắn chặt với bếp núc, con cái, ở vị thế phụ thuộc, phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng xã hội mang tính độc lập cao, có tư thế bình quyền và vị thế bình đẳng.

Đặc biệt là lực lượng doanh nhân nữ, thậm chí đã có người gia nhập ‘làng tỷ phú đô la’, mang thương hiệu Việt ra thế giới. Những nữ doanh nhân thành đạt không chỉ mang lại niềm tự hào, tạo cảm hứng cho nữ giới mà thậm chí cho cả giới doanh nhân Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa thời đại, chứa đựng năng lực to lớn của một nửa dân số Việt Nam.

Vậy ông ấn tượng với nữ doanh nhân nào?

Thật sự là ngày càng có thêm nhiều khuôn mặt nữ doanh nhân gây ấn tượng mạnh. Trong tình thế đó, dễ phạm sai lầm nếu trí nhớ không tốt và khả năng liệt kê chậm.

img

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Vinamilk

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tôi rất ấn tượng với 2 ‘cặp đôi hoàn hảo’ lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là cặp Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch - Mai Kiều Liên Tổng giám đốc Vinamilk và cặp Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch - Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet (chị Băng Tâm còn là Chủ tịch HD Bank, nơi chị Thảo là Phó Chủ tịch thường trực - PV). Họ đúng là cặp ‘song kiếm hợp bích’, lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp rất nhịp nhàng, nghĩ lớn, làm lớn, thắng lớn ở cả trong và ngoài nước.

img

Bà Mai Kiều Liên Tổng giám đốc Vinamilk

Dĩ nhiên, ngoài 2 cặp ‘song kiếm hợp bích’ trên còn nhiều người nữa, nhưng kể tiếp thì vẫn cứ không đủ. Mỗi người trong số họ đều có một sự nghiệp, nói khiêm tốn, là “khá lẫy lừng” và đều ghi dấu ấn riêng. Cứ nhìn vào các sản phẩm, dịch vụ được tiếp nhận, sử dụng rộng rãi ở trong và ngoài nước là định vị được ngay đấy là thương hiệu gắn với nữ doanh nhân nào, mức độ ảnh hưởng của họ lớn ra sao…

Tuy nhiên, những nữ doanh nhân làm nên sự nghiệp đáng nể ấy đều có điểm chung đó là sự dịu dàng mà táo bạo, quyết đoán mà có tâm, thông minh và có tầm.

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nên, dù trên sân nhà hay trên trường quốc tế, các nữ doanh nhân đều đã phải ‘đấu’ với những ông lớn sừng sỏ của thế giới. Vậy mà họ đều để lại dấu ấn và cho thấy ‘quyền lực’ của mình.

Biết cách làm cho kẻ khác “đầu hàng”

Ở lĩnh vực ‘sang chảnh’, tầm cỡ và đòi hỏi năng lực quản trị, công nghệ tối tân như hàng không, bà Nguyễn Thanh Hà và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, như ông nói, cũng đã lẫy lừng. Ông đánh giá gì về họ?

Cách làm hàng không của chị Nguyễn Thanh Hà và chị Nguyễn Thị Phương Thảo thật sự phi thường. Việc lập hãng hàng không theo mô hình giá rẻ, tạo cơ hội cho đông đảo người dân, nhiều người trong đó còn nghèo, thậm chí rất nghèo, được đi máy bay, được bay lên trời, được “đổi đời” – minh chứng rõ ràng nhất cho sự phi thường của 2 nữ doanh nhân này.

img

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet

Tạo ra thị trường với lượng khách hàng lớn mà lại giúp họ thực hiện được ước mơ bay. Điều này cũng giống trước đây, ông Hoàng Anh Xuân và Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo Viettel, đã bình dân hóa được dịch vụ viễn thông nhờ chiến lược ‘lấy nông thôn bao vây thành thị’.

Giờ ở lĩnh vực ‘sang chảnh’, tốn kém hơn nhiều, chị Hà và chị Thảo vẫn giúp ai cũng có thể bay. Đấy là bước ngoặt của hàng không, đóng góp rất lớn cho xã hội.       

Sự lựa chọn kinh doanh như vậy của chị Hà và chị Thảo, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, là rất can đảm. Nhưng lại thật là tài trí khi nhận diện đúng phân khúc thị trường tiềm năng nhất trong một thị trường hàng không đang bùng nổ, tại một khu vực đang có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.

img

Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch VietJet

Tôi nghĩ chị Hà, chị Thảo còn nhiều “chiêu thức” hay và mới lạ, để phát triển mạnh mẽ sự nghiệp kinh doanh, tiếp tục vươn lên trên bảng xếp hạng của thế giới và đưa màu cờ sắc áo của Việt Nam phủ trên bầu trời thế giới

Từ những nữ doanh nhân có sự nghiệp lẫy lừng, ông có thể khái quát công thức thành công của họ?

Rất khó khi quy thành “công thức thành công” cho nữ doanh nhân Việt Nam.

Tất nhiên, phụ nữ có những đặc trưng, phẩm chất và năng lực để thành đạt trong kinh doanh, vượt trội cả nam giới. Phụ nữ dịu dàng và điềm tĩnh, nhưng lại rất táo bạo và quyết đoán. Họ thường bền bỉ và mạnh mẽ hơn đàn ông trong cuộc đua dài hơi lẫn ở trong các tình huống khốc liệt. Họ biết cách chinh phục đối tác, nhất là đối tác “mày râu”, tức là họ rất biết cách làm cho kẻ khác “đầu hàng”…

Còn riêng các nữ doanh nhân thành đạt, như tôi đã nói, họ đều có điểm chung: Dịu dàng và táo bạo, quyết đoán và có tâm, thông minh và có tầm. Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh và đánh giá cao đặc trưng rất có lợi cho xã hội, đất nước: Có tâm và có tầm…  

Đó là những năng lực và phẩm chất tạo lợi thế cho phụ nữ kinh doanh. Chỉ có điều là phải có môi trường thuận lợi cho những năng lực và phẩm chất đó “bùng dậy” và được phát huy. Bây giờ dường như đã đến thời đó cho họ phát huy – thời của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế.

Tôi có đọc vài cuốn sách, trong đó viết rằng phụ nữ còn những phẩm chất và năng lực thích hợp với các ngành công nghệ cao, nhất là ngành công nghệ thông tin và trong các lĩnh vực kinh tế số. Nhiều công trình nghiên cứu kết luận rằng trong những ngành đó, phụ nữ vượt trội nam giới nhiều mặt.

Kết luận này đang được kiểm chứng và dần được xác nhận là đúng ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!