Dân Việt

Metro Bến Thành-Suối Tiên sẽ ra sao nếu lại trễ hẹn thanh toán cho nhà thầu?

Nguyên Phương 20/10/2019 13:36 GMT+7
Nếu thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên không kịp hoàn tất trong tháng 11, khiến việc thanh toán tiền thi công chậm trễ, sẽ tạo tâm lý thất vọng cho các nhà thầu. Đồng thời, gợi lên băn khoăn về các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản tại Việt Nam

img

Khu vực thi công nhà ga Bến Thành, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2018. Do chậm trễ giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp các tuyến metro số 1, 2, 3a, 4, thời gian dự kiến khai thác bị lùi tới năm 2020. Song mới đây, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM tiếp tục điều chỉnh thời gian đưa công trình vào khai thác là quý IV/2021.

Cùng với đó, dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên đang vướng thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư nên chưa đủ điều kiện để được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương.

Theo đó, dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên sẽ được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 17.387 tỷ đồng lên 47.325,2 tỷ đồng. Song đến nay, TP.HCM đã tạm ứng lần thứ 3 cho Metro Bến Thành-Suối Tiên với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng  chưa được Trung ương hoàn lại vì chưa được điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính liên quan đến việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành-Tham Lương).

Trong đó, Metro Bến Thành-Suối Tiên hiện đã đạt 67% khối lượng tổng thể và đang ở giai đoạn tập trung toàn bộ mọi nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình đưa vào khai thác quý IV/2021.

Nếu các thủ tục phê duyệt điều chỉnh không kịp hoàn thành trong tháng 11, việc chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu chắc chắn dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, thậm chí dẫn đến tranh chấp, kiện tụng với các nhà thầu nước ngoài.

Xung quanh những vướng mắc hiện hữu tại dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Takahashi Junko, Phó trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam.

img

Bà Takahashi Junko, Phó trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam.

Thưa bà, nếu các thủ tục phê duyệt điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư cho Metro Bến Thành-Suối Tiên không kịp hoàn thành trong tháng 11, liệu có dẫn tới nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công tại dự án này?

Nếu không phải dự án Metro 1 (Bến Thành-Suối Tiên) mà là một dự án khác, nhà thầu và đơn vị tư vấn đã hoàn toàn có thể ngừng mọi hoạt động đang triển khai.

Đối với vấn đề chậm thanh toán tại dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên, từ phía các nhà thầu cho tới BQL dự án đường sắt đô thị TP.HCM vẫn đang nỗ lực triển khai những hoạt động của mình để kịp tiến độ đề ra. Bởi đây là một dự án rất được Chính phủ Nhật Bản quan tâm và có ý nghĩa rất lớn đối với TP.HCM nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở phía Chính phủ khi chậm trễ đưa ra những hướng dẫn cho TP.HCM về các thủ tục của dự án. Tiến trình phê duyệt điều chỉnh dự án đang đi tới giai đoạn cuối cùng. Vậy nên, chúng tôi hy vọng tháng 11 tới các thủ tục của dự án sẽ được hoàn tất.

Liệu có nguy cơ xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa nhà thầu Nhật Bản và phía Việt Nam nếu các thủ tục phê duyệt điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư không kịp hoàn thành trong tháng 11 hay không, thưa bà?

Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc nhà thầu Nhật Bản sẽ kiện phía Việt Nam do chậm trễ thanh toán phí thi công dự án.

Song khối lượng chậm chi trả đã rất lớn, nguyên nhân xuất phát từ những thủ tục của Việt Nam chưa thuận tiện, chưa tạo điều kiện để các nhà thầu được thanh toán kịp thời. Vì vậy, chúng tôi hy vọng các bên liên quan hợp tác nhằm đẩy nhanh quá trình tiến hành dự án.

Tháng 11 tới là thời hạn để hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhằm kịp thời tiến hành các thủ tục bố trí kế hoạch vốn phù hợp cho dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên vào năm 2020.

Thực chất, hạn chót hoàn thành các thủ tục là tháng 9, nhưng sau đó đã được gia hạn lên tháng 11. Tôi nghĩ rằng, nếu tới thời điểm này, các thủ tục không được hoàn tất thì các nhà thầu sẽ có sự thất vọng rất lớn. Bởi họ cũng trải qua một thời gian chờ đợi khá dài.

Bà có thể chia sẻ về con số nợ phía nhà thầu Nhật Bản bị chậm thanh toán hiện nay?

Chúng tôi không thể tiết lộ con số cụ thể. Theo tôi được hiểu thì con số chậm thanh toán cho nhà thầu của dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên là lớn nhất trong số những dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản mà JICA thực hiện tính dến thời điểm hiện tại.  

Có ý kiến lo ngại rằng nếu tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng tới khả năng tài trợ tiếp theo cho các dự án đầu tư nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng trong tương lai. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Chúng tôi thường xuyên trao đổi với TP.HCM và hiểu rằng chính quyền thành phố đang có những nỗ lực tốt nhất để hoàn thành thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và thanh toán đúng hẹn cho nhà đầu tư. Song nếu việc này không thể thực hiện trong tháng 11, chắc chắn sẽ làm tình hình dự án trở nên tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến tâm lý không chỉ của nhà thầu mà cả nhà đầu tư.

Đây là dự án rất lớn, thu hút sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Ở đây, Chính phủ Nhật Bản đóng vai trò phê duyệt danh mục dự án và giá trị cam kết cho mỗi dự án ODA ở Việt Nam. Còn JICA - cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua 3 hình thức hợp tác (hợp tác kỹ thuật, hợp tác vốn vay, viện trợ không hoàn lại) mà cụ thể là JICA Việt Nam là cơ quan triển khai.

Bà có thể chia sẻ quy trình phê duyệt một dự án sử dụng ODA của Nhật Bản tại Việt Nam?

Trước tiên, Chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn một số dự án mà Việt Nam muốn thực hiện và gửi thông tin đề xuất sang JICA Việt Nam. Sau đó, JICA Việt Nam sẽ tiếp nhận thông tin, cân nhắc nếu dự án phù hợp, nằm trong khả năng JICA có thể hỗ trợ. Rồi chúng tôi sẽ sẽ cử các phái đoàn từ Nhật Bản sang Việt Nam để nghiên cứu dự án.

Trường hợp dự án chưa ở thời điểm chín muồi để thực hiện, nhưng có những tiềm năng để thực hiện trong tương lai, chúng tôi vẫn sẽ cử phái đoàn từ Tokyo sang tìm hiểu và nghiên cứu tính khả thi, phục vụ cho tương lai. Sau đó, chúng tôi sẽ có cuộc thảo luận với các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam. Nếu dự án có tiềm năng và thực hiện được, JICA Việt Nam sẽ báo cáo lên trụ sở JICA ở Tokyo, rồi tới Chính phủ Nhật Bản.

Trong quá trình đó, chúng tôi cũng chú ý thực hiện những thủ tục phù hợp, song song với thủ tục bên phía Chính phủ Việt Nam.

Việc lựa chọn các dự án ODA của Nhật Bản sẽ gắn với chiến lược phát triển của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Liên hệ với dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên, sự chậm trễ của dự án này chắc chắn sẽ gợi lên những băn khoăn của các bên liên quan đến đầu tư tại Việt Nam

Thời gian tới, chúng tôi sẽ cân nhắc, xem xét những rủi ro có thể có của dự án trong thời gian thực hiện nghiên cứu tiền khả thi các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản tại Việt Nam. Trong quá trình phê duyêt dự án, chúng tôi cũng sẽ đánh giá những rủi ro tiềm năng đó và cố gắng cân đối những rủi ro có thể có của dự án và tính hiệu quả dự án mang lại trong tương lai.

Ví dụ, chúng tôi có cân nhắc ảnh hưởng về môi trường, xã hội, như khi dự án thực hiện có phải di dời người dân cư nhiều không?

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam

img

Một số dự án vốn vay ODA đã ký kết và đang triển khai nhưng không giải ngân được đồng nào trong năm 2018. Vấn đề ở đây là chậm thanh toán cho các hoạt động đã và đang triển khai của dự án, ví dụ tại dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM. Chính vì thế, JICA đang cố gắng hết sức để làm việc với các cơ quan quản lý Việt Nam để có thể thúc đẩy triển khai các dự án này.

Đây không chỉ là khó khăn đối với JICA và ODA Nhật Bản, mà là vấn đề chung của tất cả các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ song phương khác đang hoạt động tại Việt nam. Cá nhân tôi cho rằng, nền kinh tế Việt nam tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua một phần nhờ sự phát triển của các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Với các dự án hạ tầng quy mô lớn, từ khi bắt đầu tới khi hoàn thành mất thời gian tương đối dài, vì vậy, nếu không sớm thúc đẩy triển khai, thì có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong lương lai. Đây là vấn đề tôi đang rất quan ngại.