Chia sẻ với PV NTNN, ông Hồ Xuân Hùng (ảnh) - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội NNPTNT khẳng định, với thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay, chắc chắn chúng ta cần thực hiện miễn giảm thuế SDĐNN để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.
Ông có đánh giá như thế nào về chủ trương thực hiện miễn giảm thuế SDĐNN đã thực hiện trong những năm vừa qua?
- Khi tôi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tôi đã có quyết định táo bạo đó là miễn thuế SDĐNN cho người trồng mía ở Phủ Quỳ. Tuy nhiên, ngày đó làm như vậy là trái quy định của pháp luật (giai đoạn năm 1996 – 1998). Do đó, tôi đã “lách”, đã sửa chính sách bằng cách quyết định đầu tư trở lại 100% tiền sử dụng đất cho người trồng mía để giúp họ giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập.
Ngày đó, Nghệ An là tỉnh nghèo lắm, thế mà chúng tôi còn dám miễn tiền thuế sử dụng đất cho nông dân, tránh thuế làm khổ dân. Phi thu, phi chi cũng chỉ nhằm mục đích tránh phiền hà cho dân. Về sau, Quốc hội đã có quyết định bỏ thuế SDĐNN, cho thấy đó là một quyết định vô cùng đúng đắn.
Ngoài việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, cần giảm thuế nhập khẩu máy móc để thúc đẩy nông nghiệp 4.0. Ảnh: I.T
Theo ông đối tượng miễn giảm thuế như vậy đã phù hợp chưa?
- Hiện nay, Nhà nước chưa có nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, do đó việc miễn thuế SDĐNN được coi như là Nhà nước đang đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp, nông dân.
Ngoài thuế, vấn đề cần quan tâm nữa là thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp luôn là lĩnh vực nhiều rủi ro nhất, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được chính sách bảo hiểm nông nghiệp một cách đầy đủ, vẫn còn đang thực hiện thí điểm.
Trên thực tế, kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn đã có những bước phát triển nhất định, nhưng vẫn là khu vực có tốc độ phát triển chậm so với các khu vực khác. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính chất của một nền sản xuất nhỏ, manh mún, thu nhập từ nông nghiệp còn thấp, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn. Do đó tôi cho rằng nên miễn cho tất cả các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp, tăng quỹ phúc lợi, trích lập quỹ phòng rủi ro…
Liệu chính sách này có đủ tạo cú hích mạnh mẽ hơn cho tái cơ cấu nông nghiệp, thưa ông?
- Bây giờ có những khoản này, chúng tôi đã góp ý mãi mà chưa có chuyển biến. Đó là máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, chi phí rất đắt đỏ, làm tăng chi phí đầu vào khiến giá thành nông sản bị tăng lên. Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, 4.0 và chắc chắn chúng ta sẽ phải nhập khẩu hầu hết những thiết bị công nghệ mới. Nếu thuế nhập khẩu lĩnh vực nông nghiệp vẫn áp dụng như đối với các lĩnh vực khác thì nông dân vẫn thiệt thòi.
Việt Nam đang bắt đầu tham gia cách mạng 4.0, nhưng trước một thực trạng rất yếu về cơ khí, máy móc thì phải nhập. Muốn có một nền nông nghiệp số thì phải có máy móc, nhưng nếu vẫn bắt chịu thuế nhập khẩu máy móc ngang ngửa với lĩnh vực thương mại, công nghiệp thì nông nghiệp có chịu được không? Do đó tôi cho rằng dứt khoát phải giảm thuế, phải có khoản đầu tư trong giai đoạn đầu đổi mới thông qua một chương trình hành động về công nghệ số.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư nâng cao trình độ cho nông dân. Chúng ta phải nhìn thẳng bản chất, nông dân bây giờ không phải là lão nông tri điền nữa, mà phải hướng tới đối tượng thanh nông tri điền. Chúng ta cần tạo thêm những điều kiện để họ yêu nghề nông, dám dầu tư vào nông nghiệp. Vì trong giai đoạn 10 năm tới, nước ta vẫn sẽ cơ bản là nước nông nghiệp.
Xin cảm ơn ông!