Clip kỳ thủ Võ Thị Kim Phụng kể về những bước thăng trầm trên hành trình theo đuổi niềm đam mê cờ vua.
Bước ngoặt tuổi 24
Thời gian qua, Võ Thị Kim Phụng bận tập trung tại TP.HCM cùng đội tuyển cờ vua Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 2019.
Tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi khi Kim Phụng trở về nhà (cô là con gái xứ Huế và đã lấy chồng người Hà Nội đầu năm nay – PV) trước khi đi Bắc Giang đấu giải vô địch Đông Nam Á 2019, Dân Việt đã hẹn gặp và nghe cô chia sẻ về những bước thăng trầm trong sự nghiệp.
Kỳ thủ Võ Thị Kim Phụng trò chuyện cùng phóng viên Dân Việt. Ảnh: Tùng Đoàn
“Cờ vua trong nhà trường ở Huế rất phát triển và từ năm 7 tuổi tôi đã rất mê môn thể thao trí tuệ này. 9 tuổi tôi đã được tập trung lớp năng khiếu của Huế.
Tôi nhớ là những ngày đầu tiên ấy, ngoài giờ học văn hóa, từ chiều tới tối tôi chỉ thích làm bạn với những quân cờ. Gia đình tôi có 4 anh chị em, tôi là út, cha mẹ đi làm cả ngày vất vả để mưu sinh nên chính bàn cờ là người bạn thân nhất giúp tôi đỡ… buồn”.
Kim Phụng giành HCV giải cờ vua khu vực 3.3, qua đó giành vé dự giải vô địch thế giới nữ 2018. Ảnh: I.T
Cho đến lúc này, khi đã giành được những thành công nhất định ở tuổi 26 mà điểm nhấn đáng chú ý nhất là những tấm HCV giải khu vực 3.3, giải vô địch châu Á và đỉnh cao là giải cờ vua London (Anh) mở rộng 2017 – nơi Kim Phụng vượt qua những kỳ thủ có elo 2400-2500; cô vẫn luôn nhớ tới người thầy đầu tiên đã mất từ lâu:
“May mắn cho tôi là được truyền rất nhiều nhiệt huyết từ người thầy đầu tiên. Năm tôi học lớp 5 thì thầy mất và tôi đã rất buồn, hụt hẫng như mất đi một chỗ dựa tinh thần.
Từ đó đến nay, mỗi khi giành được thành tích nào đó là tôi lại nhớ tới thầy. Những lúc chán nản, thất vọng nhất cũng là hình ảnh của thầy giúp tôi cố gắng bước tiếp trên hành trình theo đuổi niềm đam mê”, Kim Phụng bộc bạch.
Nhìn lại những gì đã qua, Kim Phụng bảo trước thời điểm 2017 - năm cô 24 tuổi và cũng là năm thành công nhất trong sự nghiệp, hot-girl làng cờ từng có ý định dừng lại khi những công sức bỏ ra không được ghi nhận.
“Năm 2010, tôi được đại diện Việt Nam dự giải cờ vua vô địch thanh niên châu Á (U20) và giành HCV. Đây có thể coi là dấu ấn đáng nhớ đầu tiên giúp tôi thêm tự tin theo đuổi niềm đam mê.
Nhưng sau đó là những tháng ngày khá mệt mỏi vì nhiều chuyện hậu trường. Cuối năm 2016, tôi đã có ý định chuyển hướng cho đầu óc mình thoải mái hơn, đỡ bị ức chế, áp lực.
Tôi tự nhủ sẽ dồn hết sức cố thêm 1 lần nữa, chơi “ván cuối” trong năm 2017 và may mắn làm sao kỳ tích đã tới.
Mọi thứ cứ như một giấc mơ vậy. Đúng là cuộc sống luôn có những ranh giới mà mình phải vượt qua.
Khi đi qua rồi thì con đường phía trước sẽ rộng mở, tràn ngập ánh sáng, niềm tin”, Kim Phụng chia sẻ.
Kim Phụng cho hay cô từng bị stress nặng, mất ngủ 2-3 đêm do ám ảnh những ván cờ. Ảnh: Tùng Đoàn
“Tôi từng bị stress nặng”
Trở lại quá khứ ở những năm 16-17 tuổi, ở độ tuổi khá thất thường về tâm lý và chưa biết sự điều chỉnh phù hợp với bản thân, Kim Phụng bảo có lúc cô bị khủng hoảng tinh thần, thậm chí giống như một “người điên” vì bị ám ảnh bởi cờ vua, đặc biệt sau những ván thua chỉ 1 nước đi sai lầm kéo theo 1 loạt sai lầm kế tiếp và thất bại:
“Tôi từng nghe những anh chị đi trước, rồi cả báo chí kể về stress của các VĐV cờ như chúng tôi. Lúc ấy, tôi cảm thấy rất hoang đường, nhưng khi rơi vào mình rồi mới hiểu!
Tôi đã mất ngủ 2-3 đêm, chỉ biết nhắm mắt lại chờ trời sáng, không sao ngủ nổi.
Mình cố gắng tập trung nghĩ sang hướng khác rồi nhưng trong đầu vẫn toàn cờ là cờ. Hình ảnh ván cờ đã qua gắn với thất bại cứ ám ảnh tôi mãi, không sao chuẩn bị tiếp được cho ván mới tiếp theo.
Nói thật là rất khó tả, tôi có cảm giác giống như bị điên ấy”.
Để tìm được sự cân bằng trong cuộc sống, Kim Phụng chọn cách xem những clip hài, nghe nhạc... thư giãn. Ảnh: Tùng Đoàn
Theo dòng tâm sự, Kim Phụng kể phải đến năm 2012-2013, cố mới tự tìm ra cách giúp cá nhân cân bằng hơn, thoát khỏi nỗi ám ảnh, những cơn stress cờ vua:
“Đây chỉ là cách của riêng tôi thôi nhé. Tôi xem những clip hài, nghe nhạc, hát ầm lên trong phòng… Nói chung là tôi làm tất cả những gì không liên quan tới cờ.
Ngay cả chuẩn bị cho ván đấu tiếp theo tôi cũng không chuẩn bị luôn. Thường chỉ trước giờ thi đấu 1 tiếng, tôi mở máy ra chuẩn bị 30 phút, đóng máy lại và quên hết trước khi nhập cuộc.
Việc “quên hết” giúp tôi có thêm những trải nghiệm, sáng tạo mới đôi khi là liều lĩnh về cách khai cuộc. Tôi không đi vào lối mòn, đôi khi là “đánh cược” vào sự sáng tạo mà tôi mới nghĩ ra ngay trước đó.
Thực tế là ở giải cờ vua khu vực 3.3 năm 2017 – tấm HCV đáng nhớ giúp tôi giành được suất dự giải vô địch cờ vua nữ thế giới 2018 (Nga) mà tôi hằng ao ước, tôi đã thành công theo cách ấy”.
Kim Phụng góp công mang về 1 HCV đông đội cờ chớp nữ cho đoàn Bắc Giang tại giải cờ vua đồng đội toàn quốc tháng 10/2019 vừa qua.
Gia đình là điểm tựa
Đi qua năm 2017 thành công, sang năm 2018, Kim Phụng lại phải đối mặt với những “cú sốc” khi không có tên trong danh sách dự giải cờ vua đồng đội châu Á, dù thời điểm đó cô là nữ số 1 Việt Nam dựa theo hệ số elo.
Sau đó, nhờ truyền thông vào cuộc, Kim Phụng mới có tên trong danh sách đội tuyển cờ vua Việt Nam dự giải đồng đội thế giới (Olympiad) 2018 tại Georgia.
“Sau thành công năm 2017, tôi có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa khi đang ở điểm “chín” trong sự nghiệp. Nhưng rồi mọi chuyện không như ý khiến tôi một lần nữa “rơi xuống”, thiếu cảm hứng.
Năm 2018 tôi vẫn thi đấu nhưng nhưng chiến thắng cũng không mang lại nhiều cảm xúc cho tôi. Thực tế là năm 2018 tôi chơi vẫn tốt, chỉ là không bằng năm 2017 thôi.
Rất may là ở “nốt trầm” tiếp theo trong sự nghiệp, tôi đã nhận được điểm tựa từ gia đình mà cụ thể là người chồng mới cưới đầu năm nay.
Chúng tôi quen và yêu nhau được hơn 3 năm rồi cưới. Trong khoảng thời gian ấy, chồng tôi vẫn luôn là người an ủi, động viên, tạo chỗ dựa tinh thần giúp tôi cảm thấy thoải mái ngay trong những thời điểm tưởng như rơi xuống đáy của nỗi thất vọng về nghề”, Kim Phụng bày tỏ.
Kim Phụng hạnh phúc khi tìm được "một nửa" của mình. Chồng là điểm tựa tinh thần giúp cô lạc quan, tự tin tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Ảnh: Tùng Đoàn.
Kim Phụng “bật mí” sau khi cưới 3 ngày cô đã bay vào TP.HCM để dự giải cờ vua quốc tế HDBank 2019, sau đó cứ tập huấn, thi đấu tiếp…
Tôi cứ thấy sao sao ấy, và thực sự cảm thấy thương chồng mình. Lấy nhau rồi mà tôi cứ xa nhà biền biệt.
Tới Giải vô địch châu Á 2019, tôi thi đấu không tốt nội dung cờ tiêu chuẩn. Nhưng đến nội dung cờ chớp sở trường, tôi đã giành được HCB, lại có thêm động lực để cố gắng”.
Phía trước Kim Phụng đang là mục tiêu tại SEA Games 2019 dù lúc này vẫn chưa biết rõ thể thức thi đấu “lạ” mà nước chủ nhà đưa ra.
“Tôi vẫn chưa biết tại SEA Games có áp dụng cộng giây cho mỗi nước đi như cách chơi chung của thế giới hay không.
Ví dụ trên thế giới, cờ tiêu chuẩn sẽ được tích lũy 30 giây cho mỗi nước đi, cờ nhanh là 10 giây, cờ chớp là 2 giây.
Nhưng tôi nghe nói ở SEA Games 2019, ván cờ chớp diễn ra trong 5 phút và không cộng giây cho mỗi nước đi. Với cờ nhanh là 15 phút và không cộng giây.
Dù thế nào thì tôi cùng các đồng đội cũng phải cố gắng vượt qua, tin vào những gì mình đã tích lũy được để mang vinh quang về cho Tổ quốc”, Kim Phụng khép lại cuộc trò chuyện cùng Dân Việt.
Võ Thị Kim Phụng: “Với tôi, niềm đam mê cờ cũng hỗ trợ cho việc học văn hóa. Các VĐV cờ sẽ có tư duy sáng tạo, kiên trì, nhẫn nại. Sau tất cả, tôi cảm thấy mình cũng học được nhiều về ý chí, nghị lực vượt lên chính mình từ những đồng nghiệp như anh Lê Quang Liêm, anh Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), chị Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh). Lúc này, bản thân tôi vẫn luyện cờ hàng ngày, hàng giờ. Càng học càng thấy sao nhiều người giỏi quá, tại sao họ có thể nhớ được nhiều thế. Đúng là biển học vô bờ!” |