Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 10 ngày đầu tháng 10/2019, giá heo hơi trên cả nước liên tục tăng mạnh, giá tại nhiều tỉnh phía Bắc đã vượt 60.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam có nơi đã đạt 60.000 đồng/kg, so với cuối tháng 9/2019, giá heo hơi trên cả nước tăng từ 6.000 – 13.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi tại khu vực miền Bắc dao động ở mức 60.000 - 64.000 đồng/kg; Giá heo hơi tại Hưng Yên, Thái Bình tăng mạnh lên 62.000 - 63.000 đồng/kg. Tại Lương Sơn, Hòa Bình có nơi báo giá lên tới 64.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Phúc, giá tăng lên 60.000 đồng/kg, nhưng có nơi giá đạt được mức 64.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Tuyên Quang cũng tăng lên 60.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, giá heo hơi dao động trong khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg. Thị trường tiếp tục ghi nhận chuỗi tăng giá kéo dài. Tại công ty chăn nuôi lợn CP miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục được điều chỉnh tăng lên 61.500 đồng/kg.
Nguồn cung thịt heo đợt cuối năm có thể thiếu hụt 200.000 tấn, nhưng lượng thịt heo nhập khẩu cũng tăng đột biến. Ảnh: I.T
Giá heo hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng tăng mạnh, do tình hình dịch tả lợn châu Phi ở khu vực miền Trung vẫn đang căng thẳng, việc vận chuyển lợn hơi được các địa phương kiểm soát chặt, nên giá heo hơi tại khu vực này vẫn đang thấp nhất cả nước, song so với cuối tháng 9/2019 cũng đã tăng tới hơn 10.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi tại các tỉnh khu vực miền Nam cũng tăng, chạm mốc 60.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá heo hơi tăng mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh. Trong khi, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động.
Bộ Công Thương dự báo, giá heo hơi được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát, tổng đàn heo giảm mạnh, trong khi người chăn nuôi không dám tái đàn. Dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng heo thịt năm 2019 thấp hơn rất nhiều so với năm 2018.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời điểm cuối năm 2019 sản lượng thịt heo hơi sẽ giảm khoảng 200.000 tấn so với năm 2018. Hiện nay, các khu vực trang trại chăn nuôi lớn và những khu vực chăn nuôi đã an toàn dịch bệnh đang được khuyến khích tăng đàn. Bên cạnh đó, để bù đắp vào lượng thịt lợn thiếu hụt, sản lượng các loại thịt khác như bò, gà… tăng khá.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là, lượng thịt heo nhập khẩu từ đầu năm đến nay cũng tăng một cách đột biến. Theo thống kê mới nhất của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, nhập khẩu thịt heo qua các cửa khẩu hải quan tại thành phố trong gần 10 tháng năm 2019 tăng 155% về lượng và 154% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, trong thời gian này, tổng lượng thịt heo nhập khẩu vào TP.Hồ Chí Minh đạt 10.820 tấn, trị giá hơn 21,3 triệu USD.
Brazil, Ba Lan, Mỹ, Bỉ, Tây Ban Nha… là 5 thị trường đang dẫn đầu về lượng và kim ngạch xuất khẩu thịt heo sang Việt Nam. Trong đó, Brazil giữ vị trí số 1, chiếm hơn 50% tổng lượng lẫn kim ngạch (hơn 5.685 tấn và 11,4 triệu USD). Được biết, thịt heo nhập khẩu chủ yếu dùng trong chế biến và tiêu thụ ở kênh quán ăn, bếp ăn.
Bày tỏ quan điểm về việc thịt heo nhập khẩu tăng đột biến, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến có thể do các doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu hụt đáng kể nguồn thịt heo do dịch tả heo châu Phi.
"Tuy nhiên, đứng trên góc độ quyền lợi của người chăn nuôi trong nước thì quan điểm của tôi là không khuyến khích tăng nhập khẩu thịt. Người chăn nuôi heo đã trải qua 3 năm vất vả, hết bão giá, đến dịch bệnh, hiện giá heo hơi có tăng nhưng cũng không đủ bù đắp những thiệt hại mà họ đã mất. Vì vậy, nếu người tiêu dùng có sử dụng thịt heo đắt hơn một chút thì cũng là để chia sẻ với những khó khăn của người chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi phục hồi" - ông Dương nói.