Thời điểm này, người dân khu Đảo Ngọc đang thu hoạch rươi chính vụ, mỗi nhà thu hoạch được khoảng 40 kg, giá bán từ 380.000-400.000 đồng/kg.
Rươi nơi đây được thương lái đánh giá ngon, con to và mẩy nên thường đặt tiền trước và đến tận nơi thu mua.
Khu Đảo Ngọc rộng 41,1 ha, được thiên nhiên ưu đãi về đất đai và khí hậu, có dòng sông Đá Vách bao quanh, con nước ra vào thuận lợi. Cùng với bàn tay cần cù lao động, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của người dân nên con rươi ở đây có điều kiện thuận lợi để phát triển. Nguồn thu từ con rươi đã giúp nhiều gia đình nuôi con ăn học trưởng thành, xây nhà mới khang trang.
Anh Bùi Ngọc Điện ở thị trấn Minh Tân mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ rươi
Trước đây, rươi chỉ xuất hiện ở khu Đảo Ngọc nhưng nay đã phát triển rộng trên địa bàn thị trấn Minh Tân. Do hiệu quả kinh tế cao, trong khi chi phí đầu tư không nhiều nên những hộ dân có diện tích đất canh tác ven sông Đá Vách có điều kiện thuận lợi về con nước đã đầu tư cải tạo ao, vườn khai thác rươi.
Như gia đình anh Đặng Văn Mười ở khu Tử Lạc 2 trước đây có ao nuôi cá rộng gần 3.000 m2, thấy việc canh tác rươi vừa tốn ít chi phí, lại không mất nhiều công nên năm 2018 anh đã cải tạo toàn bộ diện tích ao nuôi cá chuyển sang nơi cho rươi phát triển.
Anh Mười phấn khởi cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được gần 3 tạ rươi, thu về 120 triệu đồng”.
Theo kinh nghiệm từ các hộ dân khu Đảo Ngọc, con rươi ở đây chủ yếu xuất hiện một năm 2 vụ, vụ mùa từ cuối tháng 9 âm lịch kéo dài đến cuối năm, vụ chiêm từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 âm lịch. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, nông dân áp dụng kỹ thuật cải tạo đất, tạo môi trường sống thuận lợi cho rươi nên việc thu hoạch rươi với mật độ nhiều hơn. Các hộ thu hoạch rải rác vào các tháng trong năm, nhưng sản lượng lớn tập trung chủ yếu ở 2 vụ rươi mùa và chiêm như nêu trên.
Theo ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh Hải Dương, năng suất rươi đầu vụ năm nay khá cao, giá bán tương đương năm trước. Ảnh: zing
Anh Bùi Ngọc Điện có nhiều kinh nghiệm canh tác rươi ở thị trấn Minh Tân. Với trên 1,3 mẫu đất bãi, anh đầu tư vốn đào ao, làm hệ thống thuỷ lợi để rươi phát triển. Gắn bó với con rươi ngày đêm, đặc biệt chú trọng quy trình cải tạo đầm, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất rươi của gia đình anh luôn đạt cao. Trung bình mỗi năm gia đình anh thu hoạch từ 3,5 - 4 tạ rươi, thu về 150 triệu đồng.
Đến nay, thị trấn Minh Tân có khoảng 40 hộ cải tạo vườn, ao để rươi phát triển với tổng diện tích trên 60 ha. Nhiều hộ thu lãi 100-200 triệu đồng mỗi năm từ con rươi, hộ ít cũng thu từ 50 - 100 triệu đồng.
Ông Trần Khắc Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Minh Tân cho biết: “Phát huy lợi thế của địa phương, thị trấn luôn khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2017 và 2018, thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho một số hộ dân đi học tập kinh nghiệm ở vùng sản xuất rươi An Thanh (Tứ Kỳ), chuyển giao khoa học, kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí mua máy thử nước để người dân phát triển con rươi trên vùng đất Đảo Ngọc và một số khu vực trũng thấp trên địa bàn thị trấn”.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương có khoảng 400ha thu hoạch được rươi ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn, thành phố Chí Linh. Có một số vùng canh tác rươi tập trung như Tứ Kỳ (35ha), Thanh Hà (32ha). Hiệu quả kinh tế từ việc khai thác rươi mang lại đạt trung bình 8-10 triệu đồng/360m2/năm. Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương), ở những nơi được khoanh vùng khai thác rươi, toàn bộ ruộng lúa canh tác và phần diện tích trên bờ trồng cây ăn quả đều chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng, tuyệt đối không dùng phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc vi sinh. |