Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Nhà máy gặp sự cố, lỗ chồng thêm lỗ tại Đạm Ninh Bình
Cách đây 1 năm, ở kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, trả lời chất vấn của các ĐBQH về tình hình hoạt động của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương vào thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn thừa nhận: “Sức khỏe của Đạm Ninh Bình đang có vấn đề nhất”.
Lúc đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra nhiều vướng mắc tại dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình. Cụ thể, do tranh chấp kéo dài, trải qua nhiều giai đoạn lãnh đạo khác nhau của Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã dẫn tới tồn đọng liên quan tới vấn đề chạy thử, cung cấp than cho dự án và một số nội dung khác về giám sát, chi phí thiết bị của nhà máy đều chưa thống nhất được.
Một góc Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình.
Nay kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV đang diễn ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục thay mặt Chính phủ gửi tới Quốc hội nội dung báo cáo về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Tại dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, sau 8 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng sản xuất nhà máy đạt 266.984 tấn urê và 6.344 tấn NH3. Sản lượng tiêu thụ đạt 272.285 tấn urê và 6.344 tấn NH3.
Kết quả, doanh thu của Đạm Ninh Bình sau 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1.920,503 tỷ đồng, bằng 121% so với doanh thu cả năm 2018. Tuy nhiên, Đạm Ninh Bình vẫn lỗ 417,226 tỷ đồng, giảm lỗ 284,619 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Trước đó, Đạm Ninh Bình đã vận hành trở lại vào đầu 2017. Song đến năm 2018 chỉ chạy máy 117 ngày, tạm dừng 7 lần do sự cố, trong đó lần dài nhất từ ngày 10/5 đến ngày 22/8/2018. Doanh thu của Đạm Ninh Bình trong năm 2018 là 1.591 tỷ đồng, lỗ 923 tỷ đồng, nhưng đã giảm lỗ 10 tỷ đồng so với năm 2017.
Trong khi đó, tại dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, sau khi nghiệm thu và vận hành thương mại vào tháng 12/2015, dự án liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.
Đối với vấn đề quyết toán toàn bộ dự án, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện kiểm toán dự án do đơn vị kiểm toán độc lập đã từ chối đưa ra báo cáo kết quả kiểm toán.
“Bom nợ” Đạm Ninh Bình lơ lửng phía trên Vinachem
Khó khăn tại Đạm Ninh Bình đã gây tác động không nhỏ tới hoạt động của Công ty mẹ Vinachem trong những năm qua.
Theo một báo cáo được Chính phủ gửi tới Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2018, Công ty mẹ Vinachem có nợ phải thu khó đòi là 10.082 tỷ đồng do thực hiện trả nợ khoản vay nước ngoài của Dự án Đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2035/VPCP-KTTH ngày 13/7/2017 về khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình nhưng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn. Công ty mẹ Vinachem hiện đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 861 tỷ đồng.
Vinachem đã cho Đạm Ninh Bình vay lại hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư sản xuất.
Còn theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của Vinachem, Công ty mẹ Vinachem đã cho Đạm Ninh Bình vay lại hơn 5.643 tỷ đồng để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám, công suất 560.000 tấn/năm.
Song điểm đáng chú ý là trong nửa đầu năm là dự án đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán được công trình hoàn thành. Cùng đó, dự án không có khả năng thanh toán các khoản nợ và lãi vay.
Trong đó, có 1.820 tỷ đồng đến hạn trả trong vòng 12 tháng tới, còn lại hơn 3.800 tỷ đồng đến hạn trả sau 12 tháng. Riêng khoản vay tín chấp 332 tỷ đồng với VietinBank sẽ đến ngày đáo hạn vào năm 2021. Ngoài ra, Vinachem còn vay tại BIDV bằng đồng USD với dư nợ 2.628 tỷ đồng, vay Ngân hàng Phát triển (VDB) bằng cả đồng USD (29 tỷ đồng) và đồng nội tệ (2.653 tỷ đồng).