Dân Việt

Cà Mau: Dân ăn nên làm ra từ thứ cỏ dại mọc tốt lút cả đầu người

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL 26/10/2019 19:15 GMT+7
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau) thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bồn bồn. Mô hình đã phát huy được hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn khá giả. Mô hình đang được nhân rộng để tiếp tục giúp nhiều người dân vùng đệm đất rừng U Minh hạ vươn lên.

Mô hình trồng bồn bồn hiệu quả, thu nhập gấp mấy lần trồng chuối, giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn khá giả. 

img

Cây bồn bồn đang là hướng đi mới cho hộ nghèo vùng đất U Minh hạ.

Xã Khánh An, huyện U Minh nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia U Minh hạ. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng. Mỗi chu kỳ thu hoạch rừng khoảng 5 năm, trong thời gian này người dân luân canh 2 vụ lúa mỗi năm để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, vùng đất trũng này giàu phèn nên cây lúa không cho năng suất cao, nhiều năm qua người dân vẫn vất vả tìm hướng đi mới để vươn lên. Vài năm qua, một số hộ dân đã chuyển đổi qua trồng bồn bồn và có được hiệu quả bất ngờ.

Gia đình ông Tăng Văn Thắng là một trong những hộ đi đầu thực hiện trồng bồn bồn tại ấp 14, xã Khánh An. Kinh tế gia đình ông Thắng vốn thuộc hạng trung bình ở địa phương nhưng nhờ cây bồn bồn mà khá lên từng ngày. Hiện nay, trên diện tích 1,5 ha, bình quân mỗi tháng gia đình ông Thắng thu chục triệu đồng từ trồng bồn bồn.

“Tôi thấy mô hình trồng bồn bồn hiệu quả, thu nhập gấp mấy lần trồng chuối, lúa. Một tháng 1,5 ha tương đương 30 triệu, trừ chi phí, nhân công này kia cũng kiếm được chục triệu. Hồi xưa làm ruộng, trồng lúa không bằng bồn bồn” - ông Thắng nói.

img

Mô hình trồng bồn bồn cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

Trước đây, cuộc sống gia đình ông Quách Minh Hòa, Trưởng ấp 14, xã Khánh An cũng rất khó khăn. Trên diện tích 1 ha, trước đây, gia đình thu mỗi vụ hơn trăm giạ lúa (1 giạ bằng 20 kg), trừ chi phí chỉ còn vài triệu đồng. Hai năm qua, anh Hòa thực hiện trồng bồn bồn và có nguồn thu cao gấp nhiều lần trồng lúa.

“Hiệu quả trồng bồn bồn nói chung rất cao, gấp 3 – 4 lần trồng lúa. Tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa nhổ, vừa lặt ngày 200.000 đồng. Còn ngồi trong nhà làm không thì mỗi tiếng cũng được 10.000 đồng” - ông Hoà chia sẻ.

Theo người dân địa phương, cây bồn bồn có sức sống mãnh liệt nên dễ trồng, phù hợp với vùng đất phèn U Minh. Cứ bắt đầu vào đầu mùa mưa, cây bồn bồn sẽ sinh sôi, bà con bứng ra trồng, rồi chờ đến thời gian thu hoạch.

Hiện giá bồn bồn tươi thành phẩm đang được thương lái thu mua từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, giúp người dân có thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Mô hình trồng bồn bồn đã chứng minh được hiệu quả và đang được chính quyền địa phương định hướng nhân rộng.

img

Bồn bồn giúp người dân có thu nhập ổn định.

Mô hình trồng bồn bồn trên địa bàn. Nhân rộng ra thêm một số tuyến kênh, bà con cũng thống nhất vì hiệu quả thực tế cao. Trên trồng bồn bồn, dưới nước nuôi cá để tăng thu nhập. UBND xã cũng đã đồng ý, đang triển khai thực hiện mô hình nuôi cá đồng kết hợp trồng bồn bồn, ông Hòa cho biết thêm.

Mô hình trồng bồn bồn đã và đang mở ra nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Khánh An nói riêng, huyện U Minh nói chung trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện đầu ra của cây bồn bồn đang ổn định và được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình nhân rộng mô hình cũng cần có những định hướng từ ngành chức năng để tránh cảnh “được mùa mất giá” mà bao nông sản đã phải “chịu trận” thời gian qua