Dân Việt

Viwasupco có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 3 tội danh

Ong Lý 25/10/2019 06:30 GMT+7
Để hàng vạn người dân phải sử dụng nước sông Đà nhiễm dầu thải, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với Viwasupco của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn và các cá nhân liên quan là rất cần thiết. Theo Bộ Luật Hình sự năm 2015, Viwasupco có thể bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lừa dối khách hàng.

Liên quan đến vụ nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải, chiều 23/10, tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); Hoàng Văn Thám (SN 1986,  trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn); Lý Đình Vũ (SN 1982, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Các đối tượng này bị khởi tố để điều tra về tội “Gây ô nhiễm môi trường”, theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của những người có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các đối tượng đổ trộm dầu thải xuống nguồn nước dẫn vào Nhà máy sông Đà sẽ bị xử lý thích đáng cho hành vi của mình. Tuy nhiên, hiện trách nhiệm của Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn vẫn chưa được các cơ quan chức năng xem xét đến.

Viwasupco có thể bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”?

img

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Quốc tế luật Hồng Thái và Đồng nghiệp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Quốc tế luật Hồng Thái và Đồng nghiệp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, cho rằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng đổ trộm dầu thải là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này chưa giải quyết được toàn diện vấn đề, cụ thể ở đây là truy trách nhiệm hình sự của Viwasupco và các cá nhân liên quan.

“Việc lãnh đạo Viwasupco biết trong nước chứa dầu nhưng vẫn bán  cho người dân là hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ khiến chỉ hàng nghìn hộ dân không có nước để dùng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính... Rất may đây chỉ dầu thải và phát hiện được, nếu là chất độc gây chết người thì hậu quả sẽ lớn thế nào?”, luật sư Thái nói.

Theo phân tích của luật sư Thái, hành vi của Viwasupco có thể bị truy tố hình sự một trong ba tội danh: Tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’’ theo Điều 360 Bộ luật Hình sự; tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” theo Điều 237 Bộ luật Hình sự hoặc “ Tội lừa dối khách hàng” theo Điều 198 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, dù biết việc nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng nghìn người dân nhưng phía Viwasupco của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn không có bất kỳ cảnh báo hoặc có biện pháp hạn chế thiệt hại. Thậm chí, khi được phản ánh, phía Viwasupco vẫn cho rằng “nước đảm bảo tiêu chuẩn”, trong khi đó cơ quan chức năng Hà Nội lại đưa ra kết quả xét nghiệm trong nước có hàm lượng Styren vượt chuẩn theo quy định.

Theo luật sư Thái, chỉ cần tính được mức thiệt hại vật chất từ 100 triệu đồng là đã có thể truy tố Viwasupco với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc cơ quan điều tra xác định thiệt hại về vật chất của hàng nghìn người dân đã sử dụng nước bẩn của Viwasupco là rất quan trọng. “Mức thiệt hại của người dân là rất lớn, vượt quá căn cứ để xác định khởi tố tội này”, luật sư Thái nhấn mạnh.

Hay “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”?

Ở góc nhìn khác, theo luật sư Thái, lãnh đạo Viwasupco và Công ty CP nước sạch sông Đà cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự với tội danh “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” theo Điều 237 – Bộ luật hình sự năm 2015”. 

img

Biết nước sông Đà nhiễm dầu thải, Viwasupco vẫn bán cho dân

Qua sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải cho thấy, Viwasupco của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn không có bất cứ phương án dự phòng nào để ngăn ngừa, thậm chí khi biết nước có dầu vẫn không có phương án ứng phó để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. 

“Lúc chưa xảy ra sự cố này, tôi vẫn nghĩ rằng, nước sông Đà cung cấp cho Hà Nội thì chỉ có nguồn duy nhất là từ sông Đà chảy vào hồ Đầm Bài. Tuy nhiên, đến nay mới vỡ lẽ là, hồ Đầm Bài không chỉ chứa nước sông Đà mà còn có rất nhiều con suối khác chảy vào đây. 

Như vậy, những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước Nhà máy sông Đà từ các con suối rất rõ ràng, nhưng bao năm nay, Viwasupco không có bất kỳ biện pháp nào phòng ngừa rủi ro này.

Thậm chí, khi biết trong hồ nhiễm dầu thải nhưng lại không có biện pháp ứng phó như dừng cấp nước, thông báo tới các cơ quan chức năng hoặc tiến hành vớt dầu, thau rửa đường ống ngay mà chỉ khi dư luận và các cơ quan chức năng lên tiếng mới tiến hành các biện pháp này. 

Khi đó, hậu quả xảy ra đã rất nghiêm trọng. Như vậy, đã có căn cứ để khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”, ông Thái nói.

Ngoài ra, theo luật sư Thái, giữa người dân và Viwasupco đang thực hiện một hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế  là mua - bán nước. Người dân bỏ tiền ra mua nước sạch thì người bán là Viwasupco phải đảm bảo nguồn cung cấp của mình.

Tuy nhiên, nước mà người dân dùng do Viwasupco của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn cấp không đảm bảo theo thoả thuận trong hợp đồng và theo quy định pháp luật về nước sạch.

“Như đã nói ở trên, công ty này dù biết nhiễm dầu, không đảm bảo chất lượng nhưng hết lần này đến lần khác, lãnh đạo Viwasupco vẫn trốn tránh trách nhiệm, thậm chí còn bao biện đã xử lý hóa chất, công bố bảng xét nghiệm của công ty nước đảm bảo chất lượng và vẫn bán cho dân.

Tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Lừa dối khách hàng. Tội này có thể được hiểu như sau: Người bán hàng dùng thủ đoạn gian dối trong việc mua bán - được hiểu là những thủ đoạn làm cho khách hàng bị nhầm lẫn tưởng là mình đã nhận đúng, mua đúng loại hàng với chất lượng như thỏa thuận ban đầu (như giả vờ ghi sai số lượng, giá cả, chủng loại hàng trong hợp đồng nếu bị phát hiện thì cho là do sơ xuất…).

Thông thường, người phạm tội thực hiện hành vi này với lỗi cố ý, mục đích là nhằm để thu lợi bất chính. 

“Nước nhiễm Styren quá ngưỡng nhưng lại công bố bảng xét nghiệm của mình đạt chuẩn để lừa dối khách hàng và để bán hàng. Như vậy, có thể thấy công ty này đang “thu lợi bất chính”, theo đó đã có căn cứ để xem xét khởi tố vụ án vụ án “Lừa dối khách hàng”, ông Thái nói.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng dù đã được quy định từ lâu trong Bộ luật Hình sự nhưng hầu như rất hiếm có trường hợp bị khởi tố về tội Lừa dối khách hàng. Hành vi này chủ yếu bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc được phân xử trong các vụ tranh chấp dân sự.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc xem xét trách nhiệm của Viwasupco là điều các cơ quan chức năng cần phải làm. Ngoài trách nhiệm bồi thường dân sự, trong quá trình điều tra, nếu hậu quả nghiêm trọng, có hành vi vi phạm, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự phải khởi tố, truy tố.

“Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hay “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” thì trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Chúng ta cần xử lý nghiêm vụ việc này để làm gương cho các doanh nghiệp làm nước khác”, ông Ứng nói.