Dân Việt

Đàn lợn thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi đã sinh cả đàn con

Khánh Nguyên 26/10/2019 13:00 GMT+7
Theo nhóm nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện đàn lợn nái thử nghiệm vaccine vẫn khỏe mạnh, đẻ được 100 con lợn thương phẩm. Tuy nhiên, để khẳng định được hiệu quả bảo hộ của vaccine thì cần thêm thời gian và thử nghiệm.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, hơn 5 tháng kể từ khi tiêm vaccine, đàn lợn nái 11 con nằm trong số ít những đàn giống còn sống sót sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi đi qua trên địa bàn xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên không những khỏe mạnh mà  còn đẻ được hơn 100 con lợn con, hiện đã lớn và đến kỳ xuất chuồng.

img

Trang trại của anh Lương Văn Tuân ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) là một trong những địa điểm đầu tiên được thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn nái sau tiêm vẫn khỏe mạnh, đẻ được 100 con, hiện số lợn này đã đến thời điểm xuất chuồng.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho thấy, vaccine vô hoạt an toàn với đàn lợn được tiêm phòng, tác dụng bảo hộ cho đàn lợn với bệnh dịch, tuy nhiên, do thời gian ngắn nên vaccine chưa có được các dự liệu tối ưu nhất về chất lượng. Kết quả tốt nhất cho thấy, vaccine đạt tỷ lệ bảo hộ khoảng 70% vì tỷ lệ bảo hộ cao hay thấp còn liên quan tới công tác vệ sinh an toàn sinh học và chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hàng ngày.

Theo PGS.TS Lê Văn Phan - Phó trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), những kết quả ban đầu này chưa nói lên được điều gì bởi vẫn còn cần phải tiến hành nghiên cứu lặp lại ở nhiều đối tượng, trong thời gian dài, có thể lên tới vài năm, mới có được sản phẩm vaccine đưa ra thị trường.

img

PGS.TS Lê Văn Phan báo cáo với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về kết quả thử nghiệm vaccine tháng 6/2019. Ảnh: I.T

PGS.TS.Lê Văn Phan cho biết, ngay từ những ngày đầu, chính nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện ra dịch bệnh và sau đó có công bố quốc tế đầu tiên về chủng virus này ở Việt Nam. Quá trình giải trình tự gen, phân lập virus cũng được tiến hành rất nhanh, đồng thời các nhà khoa học của Học viện đã tiến hành nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi.

"Kết quả thử nghiệm ở một số trại ở Hưng Yên cho thấy, vaccine an toàn, đàn lợn tiêm vaccine không có bị ảnh hưởng, hiệu lực bảo bộ có sự khác biệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần có thêm nhiều thí nghiệm để đánh giá chất lượng vaccine để xem hiệu lực, hiệu quả ra sao. Việc này cần có thời gian" - ông Phan nói.

Cũng theo ông Phan, từ phòng nghiên cứu đến việc thương mại hóa vaccine là một hành trình dài, còn quá sớm để nói đã thành công và khi đưa vào sản xuất thương mại còn cần nhiều tiêu chí đánh giá. "Chỉ biết, hiện tại vaccine có tác dụng trên đàn lợn đã được tiêm" - ông Phan khẳng định.