Dân Việt

Ngành chăn nuôi 10 năm nhìn lại: Đổi thay cả lượng và chất

Khánh Nguyên 26/10/2019 10:45 GMT+7
Sau 10 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành chăn nuôi đã có bước phát triển cả về lượng và chất.

Từng bước thành sản xuất hàng hóa

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), việc thực hiện chiến lược đã giúp ngành chăn nuôi Việt Nam trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn.

Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).

img

Trong giai đoạn 2020 - 2030 sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung, có liên kết với doanh nghiệp.  Ảnh: P.V

"Trong nông nghiệp hiện nay, chăn nuôi là lĩnh vực thu hút đầu tư xã hội lớn nhất mà phần lớn đều do tư nhân đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi với trên 99% vốn đầu tư là của tư nhân”.

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng
Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Quy mô chăn nuôi đã chuyển từ nông hộ sang trang trại. Năm 2018, cả nước chỉ còn khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 4,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, trong khi số lượng trang trại tăng lên là 19.639, chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng.

Ngành chăn nuôi còn thu hút khối lượng lớn nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, năng suất và chi phí sản xuất chăn nuôi được cải thiện đáng kể. Nếu xét tổng thể, năng suất và chi phí chăn nuôi nước ta đang thuộc nhóm trung bình, nhưng nếu tính ở khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp thì năng suất và chi phí chăn nuôi của Việt Nam ngang bằng các nước phát triển trong khu vực: Lợn nuôi trong 155 ngày đạt 100kg, chi phí thức ăn 2,5kg/kg tăng trọng; gà công nghiệp thời gian nuôi 42 ngày, khối lượng 2,5kg, chi phí thức ăn 1,58kg/kg tăng trọng…

Đặc biệt, việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng ghi nhiều dấu ấn. Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành chăn nuôi gia cầm khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được chính ngạch thịt gà chế biến và quan trọng là xuất khẩu được sang Nhật Bản. Mới đây nhất, ngày 22/10/2019, Bộ NNPTNT tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô sữa tươi đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành này.

Tuy nhiên, ông Dương cũng thừa nhận một số nội dung của chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 chưa thực sự phù hợp với thực tế như: Mục tiêu và định hướng phát triển chăn nuôi trong chiến lược chưa đánh giá hết được vai trò quan trọng của yếu tố thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn và yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả với chăn nuôi trâu, bò thịt... Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường còn yếu.

“Sau 3 năm triển khai, mới có 43 tỉnh hoàn thành quy hoạch và sau 5 năm, mới có 58 tỉnh có quy hoạch. Một số tỉnh không có chính sách đặc thù hoặc thực hiện không đầy đủ các chính sách của Chính phủ trong đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi” - ông Dương nói.

Không thể chăn nuôi trong làng, xã

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại trong giai đoạn qua, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, giai đoạn 2020 - 2030, sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ, gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Song song với đó, sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp, gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Xã hội hóa hoạt động đầu tư phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển...

Góp ý tại hội thảo cho ngành chăn nuôi phát triển hơn ở giai đoạn tới, ông Trần Xuân Đông - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT Quảng Ninh) cho biết, quy hoạch chăn nuôi đi sau nên việc dành đất cho chăn nuôi rất khó khăn do trùng với các lĩnh vực khác.

“Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới có trên 200 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, chiếm hơn 16% số lượng vật nuôi của tỉnh và mới chỉ đáp ứng 60 - 65% nhu cầu lượng thực phẩm của người dân trong tỉnh. Theo tôi, cần sớm ban hành quy định về diện tích chăn nuôi chiếm bao nhiêu phần trăm trong phát triển nông nghiệp. Nếu vẫn tận dụng chăn nuôi trong làng, xã, sẽ không thể đảm bảo an toàn dịch bệnh” - ông Đông nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết, phát triển chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, vì vậy thời gian tới cần tập trung xử lý vấn đề môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong giai đoạn 2020 - 2030, chăn nuôi phải là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Khai thác các tiềm năng lợi thế để phát triển chăn nuôi bền vững theo các chuỗi giá trị, bảo đảm hiệu quả kinh tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm cho người nông dân.