Tăng giá 20%
Dịch vụ thuê xe đi lễ chùa - du xuân đầu năm trong những ngày gần đây lâm cảnh thiếu hụt nguồn cung. Theo khảo sát, mặc dù hầu hết các điểm cung cấp dịch vụ cho thuê xe đã tăng nguồn cung thêm 10-20% so với năm ngoái, song vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng.
Hầu hết những cơ sở cho thuê xe đều cho biết lâm vào cảnh "cháy" xe ngày cuối tuần. Ảnh minh họa. |
Trong vai người đi tìm xe để thuê, dù tìm đến tuyến đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng – Hà Nội) và Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội) là nơi tập trung nhiều địa điểm cho thuê xe tự lái và có lái, song phóng viên vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu và đề nghị để lại số điện thoại liên lạc.
Theo lời của chị Hà (nhân viên cho thuê xe) cho hay: “Năm nay, lượng khách tăng đột biến so với năm ngoái. Riêng các ngày cuối tuần từ Rằm tháng Giêng đến giữa tháng 2 Âm lịch đã khóa sổ cách đây cả tháng trời. Nguồn xe tăng thêm 5 chiếc lên 30 đầu xe, nhưng cứ cuối tuần lại phải từ chối khách, vì có người đặt sẵn hết rồi”.
Cùng với tình trạng khan hiếm nguồn cung, mức giá cho thuê cũng đội so với năm ngoái từ 10-20%. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là lên theo giá các mặt hàng khác.
Anh Đức Trung (Công ty TNHH Trung Vũ) cho hay: “Chi phí để bảo trì, bảo dưỡng xe cho thuê hiện nay không phải là ít. Cứ sau 1-2 tuần, chúng tôi lại phải đưa xe đi bảo dưỡng. Chi phí phụ tùng và giá tiền công bảo trì, rửa xe tăng ít nhất 10%, nên phải bù vào đó”.
Qua khảo sát, mức giá cho thuê xe có lái chủ yếu được tính theo km. Cụ thể, xe dưới 15 chỗ ngồi có giá 8.000 đồng/km còn trên 15 chỗ đến 20 chỗ có giá 9.000 – 10.000 đồng/km, xe trên 20 chỗ có giá khoảng 12.000 đồng/km. Tuy nhiên, mức giá này vào ngày cuối tuần có thể tăng thêm từ 1.000 – 2.000 đồng/km so với ngày thường. Đối với xe tự lái, giá thuê xe dưới 7 chỗ ngồi có giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày, còn xe từ 7 đến 10 chỗ có giá khoảng 2,5 triệu đồng/ngày và xe trên 10 chỗ phổ biến dao động từ 3-5 triệu đồng/ngày.
Để có thể tiện lịch sắp xếp cho khách hàng, một số công ty đã ấn định số km trước, nếu khách đi thêm km ngoài dự kiến sẽ phải chịu phí phát sinh. Chị Sâm (nhân viên tư vấn khách hàng thuê xe tự lái) nói: “Chúng tôi cho khách ấn định số km, thậm chí khách có thể vượt vài km khi đăng ký là chuyện bình thường. Nhưng, khi số km đã đăng ký bị vượt lên thì khách sẽ chịu thêm 2.000 đồng/km”.
Cẩn thận xe “dởm”
Trong khi đó, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn uy tín thì một số điểm cho thuê làm ăn theo thời vụ đã tận dụng thời điểm này để cung cấp xe không đảm bảo chất lượng.
Chọn xe cả tuần nay để đi Phú Thọ, thế nhưng vợ chồng anh Đinh Văn Hòa (đường Láng – Hà Nội) vẫn chưa thể tìm được xe ưng ý. Nguyên nhân là do anh, chị vẫn hú hồn vụ thuê xe hồi Tết năm ngoái. Theo lời kể của anh Hòa, năm ngoái vì không chủ động thời gian thuê, nên sát ngày khai hội đền Trần, anh và vợ mới cuống cuồng. Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ, nên thuê phải chiếc ô tô được “mông” lại.
Anh Hòa chia sẻ: “Những người thuê xe nên bình tĩnh, chọn đúng điểm mà mình cần thuê, không nên vội vàng. Tôi vì vội, không xem kỹ, đến lúc đi đến gần TP.Nam Định, xe tự nhiên không khởi động được, phải cho vào chỗ sửa gần 4 tiếng mới xong. Cả gia đình méo mặt”.
Nguyên nhân là do, chiếc xe quá tải, thậm chí nhiều linh kiện được sửa chữa chắp vá. Thậm chí, anh còn chủ quan không làm hợp đồng vì tin tưởng được một người bạn giới thiệu. Cho nên, tất cả chi phí sửa gần mấy triệu đồng, gia đình anh phải tự thanh toán.
Trong quá trình khảo sát, một số nhân viên của các điểm kinh doanh xe lớn đã đưa ra lời khuyên, có thể chấp nhận mức giá cao hơn những chỗ rẻ một chút, song khách hàng sẽ có chất lượng hoàn toàn đảm bảo.
Anh Văn Phát (quản lý xe cho thuê) đưa ra lời khuyên: “Khi chọn xe, khách hàng nên đi với người có kinh nghiệm về lái xe, để khởi động thử và kiểm tra một số phụ tùng cơ bản để tránh phải chịu cảnh tiền mất mà tật mang". Bởi, theo anh Phát, những chiếc xe cũ được “trưng dụng” tạm thời nhằm kiếm tiền của một vài nơi làm ăn theo mùa tiềm ẩn hư hỏng, máy móc cũ, thậm chí xảy ra những điều đáng tiếc.