Dân Việt

Thảm kịch trong container đông lạnh

Mỹ Hằng 27/10/2019 08:30 GMT+7
Đã có rất nhiều vụ container trở thành hòm lạnh bảo quản thi thể người nhập cư bất hợp pháp đủ các quốc tịch vào Anh. Nhưng đó dường như là chuyện của nước khác. Cho đến lần này, số người chết quá lớn, và những trùng hợp đầy nghi vấn về nạn nhân người Việt, thì dư luận mới rộ lên sửng sốt, xót xa hay sợ hãi.

Ai cũng hy vọng trong số 39 nạn nhân chết trên thùng xe tải vào Anh không có người Việt. Ai cũng mong bức ảnh chụp màn hình tin nhắn được cho là của cô gái người Việt trong thùng xe "Con chết vì không thở được" là ảnh giả.

Nhưng việc gia đình một cô gái ở Nghệ An trình báo nhà chức trách địa phương rằng họ đã nhận được chính tin nhắn ấy, với câu chuyện con gái họ đã vay hơn 950 triệu để sang Anh bằng con đường bất hợp pháp là có thật. Chuyến đi không hề có hợp đồng, như lời kể của gia đình. Dường như bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian trong lúc cảnh sát Anh phân tích ADN để xác định danh tính nạn nhân.

img

Đến tối 26/10, đã có 12 gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh trình báo về việc con em họ mất tích cũng trong khoảng thời gian trên khi tìm đường lao động ở Anh, là thật. Các gia đình đều đang nín thở chờ tin con em mình trong tâm trạng bán tín bán nghi, có người suy sụp, có người hy vọng, tất cả đều là thật.

Đã có rất nhiều vụ người nhập cư bất hợp pháp đủ các quốc tịch trốn trong container để nhập cư vào Anh tương tự từng xảy ra trước đây, nhiều vụ container trở thành hòm lạnh bảo quản thi thể người nhập cư. Nhưng đó dường như là chuyện của nước khác. Năm 2015, cảnh sát Anh đã phát hiện 10 người Việt bị khóa trong các container nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh, nhưng rất may là họ vẫn còn sống. Đó cũng dường như là chuyện người khác. Cho đến lần này, số người chết quá lớn, và những trùng hợp đầy nghi vấn về nạn nhân người Việt, thì dư luận mới rộ lên sửng sốt, xót xa hay sợ hãi.

Không nhiều người theo dõi thường xuyên để biết rằng, chống buôn bán người và nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề hợp tác thường xuyên, hàng đầu giữa Việt Nam và Anh. Cách đây một năm, tháng 11/2018, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống mua bán người. Trang web của Chính phủ Anh ngày 21/11/2018 nêu rõ: "Nhiều nạn nhân của nạn nô lệ thời hiện đại ở Anh đến từ Việt Nam. Riêng năm 2017, chính phủ Anh xác định 738 người có thể là nô lệ thời hiện đại từ Việt Nam”. “Nô lệ thời hiện đại” – phía Anh dùng đúng từ như thế, bởi chỉ có từ đó mới mô tả đúng bản chất sự việc. 

Mới đây nhất, ngày Thế giới phòng chống buôn bán người năm nay - 30/7/2019, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đã có sự kiện ở Hà Nội tuyên truyền về phòng chống buôn bán người, trong đó ông cho biết, năm 2018 tại Anh có ít nhất 300 công dân Việt Nam được xác định là nạn nhân của buôn bán người.

img

Không được đề cập thường xuyên, không phải số lượng lớn như tình trạng người Việt trốn ở lại Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng tình trạng người Việt nhập cư vào Anh thực sự bi đát, và điều kinh khủng là họ đến Anh không phải chỉ là lao động chui, nhưng là một công việc trong các nhà máy, tiệm ăn... như ở Hàn ở Nhật, mà người Việt đến Anh là để trồng “cỏ”.

Cỏ là tên lóng của cần sa. Báo chí Anh đã có rất nhiều bài điều tra về những trang trại trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh, trong đó người Việt làm việc chui lủi, khổ sở, bị hành hạ, đánh đập - thực sự là nô lệ thời hiện đại.

Trong một phóng sự ngày 26/7/2019, tờ The Guardian của Anh nhắc đến trường hợp Minh - một thiếu niên 16 tuổi lúc bị bắt cóc, lạm dụng tình dục và buôn lậu sang Anh, bị nhốt và bị bắt trồng cần sa. "Minh là một trong hàng trăm trẻ em bị buôn bán từ Việt Nam mỗi năm và bị buộc phải làm việc trong những trang trại cần sa bí mật khắp nước Anh: Những cái bánh răng nhỏ trong một cỗ máy tội phạm khổng lồ để cung cấp cho thị trường cần sa đen trị giá 2,6 tỉ bảng ở Anh" - tờ báo viết. Guardian dẫn lời các quan chức Anh nói rằng, họ ước tính 13.000 người bị bắt nhốt theo một hình thức nô lệ nào đó khắp nước Anh, và người Việt là nhóm nạn nhân lớn thứ 3 trong đó.

img

Tình trạng này đọc trên báo chí Anh thật sự đáng báo động, nhưng dường như chưa được đề cập đủ ở Việt Nam. “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Chẳng lẽ cần ít nhất một sự cảnh báo thật sốc người ta mới giật mình nhìn lại.

Nếu nói những người Việt tìm cách trốn ở lại Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc vì lý do kinh tế có lẽ chỉ đúng một phần. Đã có những câu chuyện thực địa cho thấy, không phải gia đình nào có người thân tìm đường ra đi theo cách đó cũng là gia đình nghèo hay khó khăn về kinh tế. Nếu họ đi lao động hợp pháp, nếu chăm chỉ làm ăn và tuân thủ pháp luật của nước sở tại, họ cũng có thể tích lũy đủ để thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng một số khá lớn người lao động ra đi, hoặc bị dụ dỗ ra đi, mà không hiểu gì về nơi mình sẽ đến, công việc mình sẽ làm. Chỉ có thể nói rằng họ nghèo về kinh tế là một phần, mà điều kinh khủng hơn là họ nghèo về hiểu biết, nghèo thông tin.

Không ở đâu kiếm sống mà dễ dàng, mà đổi đời trong phút chốc. Khát vọng đổi đời của họ lớn đến thế nào để họ dám đặt cược cuộc đời mình như vậy, sẵn sàng liều mình để tìm đường sống chui lủi rồi bị lừa gạt để biến thành nô lệ thời hiện đại? Trước hết là sự thiếu hiểu biết về pháp luật để họ sẵn sàng chấp nhận việc ra đi trốn chui trốn lủi, và họ càng dễ dàng trở thành con mồi cho những đường dây buôn người.

Cách đây chưa lâu, đã từng có việc Nhật Bản, Hàn Quốc ngừng cấp visa cho một số địa phương của Việt Nam nơi có nhiều người lao động trốn ở lại. Liệu các bộ ngành, địa phương đã đủ nỗ lực để tuyên truyền giáo dục cho người dân những nơi này hiểu về pháp luật, về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi lao động? Tương tự với tình trạng người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh mà đã được thể hiện bằng con số rất rõ ràng của cả hai phía trong những năm qua, chúng ta đã lên tiếng đủ để người lao động hiểu rõ rất có thể bị lừa sang trồng cần sa bất hợp pháp, bị hành hạ, tra tấn? Chắc chắn là chưa đủ, thì người ta mới dám vay cả tỷ đồng để tìm đường sang Anh. Ngay cả sự kiện tuyên truyền của Đại sứ quán Anh cũng diễn ra ở Hà Nội - địa phương không nóng về tình trạng người lao động trốn ở lại hoặc di cư bất hợp pháp.

Chúng ta vẫn thầm mong vụ 39 người này không có gì bất trắc với người Việt. Kết quả điều tra sẽ rõ trong vài ngày nữa. Nhưng đây là lúc trong nước, người lao động cần biết rằng, những người trốn trong container ấy đã tuyệt vọng thế nào khi biết mình đang chết mà không làm gì được, những dấu tay vấy máu trên thành cửa container cho thấy họ đã nỗ lực tìm chút không khí để thở ra sao. Giờ là lúc phải kiên quyết, để ngăn ngừa một thảm kịch xảy ra trong tương lai, nhất là tăng cường nhận thức về pháp luật, xã hội cho họ, để người lao động hiểu rằng, chỉ có những cuộc ra đi lành mạnh, hợp pháp mới đem lại sinh kế bền vững.