Ông Đinh Văn Tiện từ lâu đã nổi tiếng quanh vùng vì sở hữu vườn bưởi đỏ cổ, sai trĩu quả, chất lượng thơm ngon.
Đến xã Xuân Thủy, hỏi về ông Đinh Văn Tiện, chẳng mấy người là không biết. Bởi từ lâu, ông đã nổi tiếng là người đang có một vườn bưởi đỏ cổ với tuổi đời 30 – 45 năm luôn trĩu quả.
“Vườn của tôi có gần 100 cây bưởi từ 30 – 45 tuổi, cứ tháng 7 hằng năm đã có người ở trong huyện, thậm chí là từ Hà Nội lên đặt mua. Tôi mới bán 25 cây nhưng đã thu được 50 triệu đồng rồi”, ông Đinh Văn Tiện vui vẻ khoe.
Theo ông Tiện, khoảng 45 năm trước, thấy nhà vườn rộng, lại chưa có trồng ăn quả nên một người anh em đồng hao đã cho ông 2 cành bưởi đem về trồng. “Đầu tiên tôi cũng chỉ nghĩ là trồng cho vui và lấy quả ăn thôi. Tuy nhiên, mấy năm sau, cây ra cành xanh tốt, nhiều quả và ăn rất ngon nên tôi quyết định chiết cành để nhân giống”, ông Tiện cho biết.
Từ 2 cành được cho, ông đã gây thành vườn bưởi gần 100 cây với tuổi đời từ 30 - 45 tuổi.
Và cứ cặm cụi chiết cành, gây giống như thế, chẳng mấy chốc, vườn nhà ông Tiện đã phủ kín những cây bưởi đỏ.
“Giống bưởi đỏ tôi trồng có chất lượng rất ngon, trước đây chỉ để ăn, bán quanh vùng và đem biếu. Ai ăn cũng khen ngon vì được nước và có vị ngọt thanh, tê tê nơi đầu lưỡi, hương vị thơm nồng giữ lâu trong miệng. Dần dần, nhiều người ở các huyện khác trong tỉnh Phú Thọ, thậm chí là từ Hà Nội cũng tìm đến để đặt mua cả cây khi quả mới chỉ bằng nắm tay...", ông Tiện tâm sự.
Với gần 100 cây bưởi đỏ, đến nay, mỗi năm gia đình ông cũng thu được cả trăm triệu đồng mà không phải mất nhiều thời gian chăm sóc.
Bưởi nhà ông Tiện có màu đỏ, ăn ngọt thanh, tê tê và đọng lại mùi thơm rất lâu ở trong miệng.
Theo chân ông Tiện đi thăm vườn bưởi đỏ cổ, PV Dân Việt không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy những cành bưởi khẳng khiu, rêu mốc nhưng sai trĩu quả. Thấy PV ngạc nhiên, ông vội nói: "Sau nhiều năm trồng bưởi, tôi đúc rút được kinh nghiệm rằng việc bón phân là rất quan trọng để cho cây ra nhiều quả và chất lượng quả ngon. Cụ thể, cứ tầm tháng 11, khi thu hoạch quả xong, tôi tiến hành bón khoảng 2kg phân PK/cây (phân PK thành phần chính là lân và kali-PV). Đến khi quả ra tầm như ngón tay cái, tôi tiếp tục bón thêm cho mỗi cây 1kg đạm và 2kg phân PK. Khoảng tháng 9 âm, tôi lại bón tiếp khoảng 1kg phân PK nữa."
Những cây bưởi với cành nhỏ, khẳng khiu, rêu mốc nhưng cho ra nhiều quả nhờ ông Tiện bón phân hợp lý, đúng thời điểm và có cách trừ sâu bằng thuốc sinh học tự chế.
“Đặc tính của cây bưởi đỏ là nhiều sâu cành, ruồi vàng và cành yếu. Để khắc phục tình trạng này, tôi thường sử dụng vôi để phết lên cây, lên cành, tiếp đến là dùng thuốc trừ sâu sinh học tự chế để phun. Do cành yếu, lại nhiều quả, tôi làm cột chống để giữ cành”, ông Tiện cho biết thêm.
Với cách chăm sóc vườn bưởi đỏ không tốn công như vậy, hằng năm mỗi cây bưởi của ông Tiện cũng cho ra từ 100 – 300 quả. Và ngay từ khi quả vẫn còn nhỏ đã có người đến đặt mua cả cây với giá xấp xỉ 2 triệu đồng/cây. Với gần 100 cây, mỗi năm ông thư thả cũng có hơn 100 triệu đồng.
Thấy hiệu quả kinh tế từ cây bưởi đem lại, ông Tiện đã lại mua thêm 300 gốc bưởi Hoàng, bưởi Diễn và bưởi đỏ để trồng. Đến nay, 300 cây bưởi này đã được 3 tuổi, năm tới ông sẽ bắt đầu để quả để thu hoạch.
"Trồng bưởi ngay năm đầu đã cho bói quả, tuy nhiên, muốn quả chất lượng cao, cây phát triển tốt, nên ngay từ khi ra hoa, tôi đã ngắt bỏ để cây không phải nuôi quả. Sau 3 năm ngắt bỏ hoa, quả, năm tới này tôi sẽ để lại quả để thu hoạch. Và chắc chắn, với kinh nghiệm trồng bưởi của mình, với số lượng cây như vậy, năm tới thu nhập của gia đình sẽ tăng lên nhiều hơn", ông Tiện vui vẻ nói. |