Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song những huyện vùng sâu, vùng xa vẫn còn loay hoay gỡ khó với các tiêu chí môi trường, thu nhập và hộ nghèo.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 184 xã nhưng mới có 78 xã đạt tiêu chí thu nhập (chiếm 42,4%), 71 xã đạt tiêu chí giảm nghèo (38,6%), 60 xã đạt tiêu chí môi trường (32,6%).
Người dân Gia Lai trồng các giống bắp mới để tăng thu nhập. Ảnh: T.H
Nằm cách TP.Pleiku không xa, xã Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang) mới đạt được 7/19 tiêu chí, trong đó thu nhập bình quân đầu người năm 2018 chỉ đạt 18 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo năm 2019 còn tới 35,39%. Về môi trường thì chưa có nơi thu gom rác thải sinh hoạt, mới có 30% tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, mới có 5% số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo…
Đến nay huyện Kông Chro và huyện Ia Pa chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, chủ yếu do vướng mắc các tiêu chí thu nhập và giảm nghèo. Tại huyện Kông Chro, cuối năm 2018 tổng số hộ nghèo là 3.437 hộ (chiếm 30,9% tổng số hộ), trong đó hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số 3.331 hộ (chiếm 96,91% số hộ nghèo). Một trong những xã dẫn đầu tỷ lệ hộ nghèo của huyện là Đăk Song, với 269/434 hộ nghèo.
Ông Lê Hồng Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Cái khó của xã là toàn đồi núi dốc, đất đai cằn cỗi, trình độ canh tác của dân lại thấp, chủ yếu dựa vào tự nhiên… Một bộ phận người nghèo còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Để tháo gỡ “nút thắt”, các xã khó khăn của huyện Kông Chro đang vận động người dân nuôi bò dưới tán rừng sản xuất, trồng mỗi hộ 100 gốc chuối, trồng các loại cây ngắn ngày như ớt, bắp, đậu...
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gắn với việc xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp người nghèo tiếp cận các điều kiện để thoát nghèo. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 3,5%”.
Cũng về tiêu chí thu nhập, ông Trần Văn Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Có nhiều giải pháp giảm nghèo cần thực hiện đồng bộ, trong đó thời gian tới các địa phương cần hình thành các hợp tác xã, triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ…”.