Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019.
Theo báo cáo tài chính riêng của VEAM, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VEAM tính tới 30/9/2019 đạt trên 561 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh thu từ bán hành hóa thành phẩm. Dù vậy, do giá vốn hàng bán cao (701 tỷ đồng) khiến công ty lỗ gộp 140 tỷ đồng trong 9 tháng.
Báo cáo tài chính riêng lẻ của VEAM
Điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của VEAM đến từ doanh thu từ hoạt động tài chính với trên 7.561 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ.
Trong đó, lãi tiền gửi ngân hàng, hỗ trợ vốn đóng góp 581 tỷ đồng và cổ tức lợi nhuận được chia từ công ty liên doanh, liên kết gần 6.980 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VEAM cũng giảm lần lượt 65% và 1,5%. Nhờ vậy, dù bán hàng dưới giá vốn, VEAM riêng lẻ vẫn ghi nhận trên 7.121 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và báo lãi sau thuế 7.074 tỷ đồng, tăng trưởng tới 47% so với cùng kỳ năm trước.
Sau hợp nhất, lũy kế 9 tháng, VEAM đạt 3.352,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so với cùng kỳ. Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt đến 4.973 tỷ đồng, tăng 4,4%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 5.127 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và hoàn thành 80,5% kế hoạch năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất của VEAM
Báo cáo tài chính hợp nhất cũng cho thấy, tổng tài sản công ty tại thời điểm 30/9 ở mức 31.044 tỷ đồng, tăng 17,5% so với số đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 75% tổng tài sản, tăng 41,8% so với đầu năm.
Đáng chú ý, Công ty ngày càng nhiều tiền hơn thể hiện tiền và các khoản tương đương tiền đạt 680,7 tỷ đồng, tăng 99%. Bên cạnh đó, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn) tăng 48% lên 14.235,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản phải thu cũng “cộng thêm” hơn 2.000 tỷ trong 9 tháng, tương ứng tăng 56% và chủ yếu là tăng khoản phải thu từ Honda Việt Nam. Ngược lại, hàng tồn kho giảm từ mức 2.305 tỷ xuống chỉ còn 1.984 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của VEAM đi từ mức 1.556 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.205 tỷ, chủ yếu được tài trợ bởi nợ ngắn hạn (1.071 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu 29.839 tỷ đồng, tăng gần 21% so với đầu năm. Đáng chú ý, lợi nhuận chưa phân phối của VEAM tính tới cuối tháng 9 lên tới 16.362 tỷ đồng, tăng 44% so với hồi đầu năm nay.
VEAM hiện có 7 công ty liên kết. Cụ thể, VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam, 25% Ford Việt Nam, 29% VEAM Tây Hồ, 49% Nakyco…Khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tại thời điểm 30/9 đạt 4.984 tỷ đồng, giảm 28% so với số đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là khoản đầu tư vào Honda Việt Nam từ 5.264 tỷ đồng giảm xuống còn 3.500 tỷ đồng (theo phương pháp vốn chủ).